Quốc tế

Iran không đàm phán về thỏa thuận hạt nhân

09:01, 02/03/2021 (GMT+7)

Iran tuyên bố sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015 và Mỹ nên bắt đầu tiến trình bằng việc dỡ bỏ trừng phạt trước.

Theo thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, Iran sẽ giảm làm giàu uranium, còn các nước khác tháo gỡ lệnh trừng phạt. Trong ảnh: Iran và 6 cường quốc (Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức) tham dự phiên họp toàn thể tại Vienna (Áo) ngày 14-7-2015. Ảnh: Reuters
Theo thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, Iran sẽ giảm làm giàu uranium, còn các nước khác tháo gỡ lệnh trừng phạt. TRONG ẢNH: Iran và 6 cường quốc (Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức) tham dự phiên họp toàn thể tại Vienna (Áo) ngày 14-7-2015. Ảnh: Reuters

Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria, Tehran đã bác bỏ việc trở lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) theo lời mời của Liên minh châu Âu (EU). Tạp chí The Week dẫn lời Bộ Ngoại giao Iran ngày 28-2 (giờ Tehran) khẳng định, nước này sẽ không tham gia đàm phán không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu để khôi phục JCPOA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng, các điều kiện hiện tại chưa chín muồi cho các cuộc đàm phán không chính thức. “Xem xét vị trí và hành động của Mỹ/E3, thời gian hiện chưa chín muồi cho một cuộc gặp không chính thức được đề xuất”, ông Khatibzadeh nói. E3 là cách mà người phát ngôn này gọi Anh, Pháp và Đức - 3 đối tác tham châu Âu tham gia JCPOA.

Theo Reuters, ngày 1-3, Iran tuyên bố Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu muốn đàm phán với Tehran để cứu vãn JCPOA, thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích và hủy bỏ việc tham gia của Washington vào năm 2018. “Chính phủ của Tổng thống Joe Biden nên thay đổi chính sách gây áp lực tối đa của ông Trump đối với Tehran… Nếu muốn đàm phán với Iran, trước tiên họ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”, ông Khatibzadeh nói.

Tổng thống Biden từng nói rằng, Mỹ sẵn sàng đàm phán về việc cường quốc này và cả Iran cùng trở lại tuân thủ JCPOA. Theo đó, Iran được nới lỏng trừng phạt để đổi lại việc hạn chế các hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên, không bên nào chịu hành động trước. Iran coi việc Mỹ dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt là một điều kiện tiên quyết, còn Washington khăng khăng chỉ trở lại bàn đàm phán chừng nào Tehran tuân thủ thỏa thuận hoàn toàn.

Việc thể hiện mong muốn trở lại JCPOA đánh dấu sự thay đổi về quan điểm của chính phủ Tổng thống Biden, khác với người tiền nhiệm Donald Trump. Vì vậy, AP cho hay, Mỹ bày tỏ thất vọng khi Iran bác bỏ đàm phán. Song, một quan chức cao trong chính phủ Washington tuyên bố vẫn để ngỏ thời gian và cách thức đối thoại, đồng thời xem việc Tehran từ chối lời mời của EU chỉ là một phần của tiến trình ngoại giao. Washington sẽ tham vấn các đối tác khác, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và EU, trong tiến trình sắp tới.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt với Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, tăng mức độ làm giàu uranium lên 20%, mặc dù JCPOA quy định Tehran chỉ được làm giàu uranium ở mức 3,67%. Không những thế, Iran khẳng định đủ năng lực làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran cũng đã thu hẹp quy mô giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), hạn chế các cuộc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Hồi tháng 12-2020, Quốc hội Iran thông qua đạo luật “Kế hoạch hành động chiến lược của Iran nhằm chống lại các lệnh trừng phạt”, yêu cầu chính phủ cắt giảm hơn nữa những cam kết trong JCPOA nếu Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt. Giới quan sát cho rằng, việc Iran thu hẹp quy mô giám sát của IAEA là một trong những bước đi khôn ngoan nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, giờ đây khả năng diễn ra đàm phán đang bị phủ bóng. Đó là chưa kể việc Iran sẽ lắp đặt các máy ly tâm thế hệ mới IR2M, IR6 tại hai cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz.

Thành ra, thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nỗ lực ngoại giao để đạt được đến nay rơi vào trạng thái mong manh. Bên nào cũng chờ bên kia thể hiện thiện chí bằng việc phá bỏ rào cản trước.      

PHÚC NGUYÊN

.