Nếu Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban sẽ trỗi dậy

.

Mỹ cảnh báo Afghanistan rằng, nếu không có sự hiện diện của quân đội Mỹ, tình hình an ninh sẽ xấu đi và Taliban có thể nhanh chóng trỗi dậy đánh chiếm lãnh thổ quốc gia Nam Á này.

Người dân Afghanistan vui mừng lúc Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận lịch sử hồi tháng 2-2020. Giờ đây, Mỹ cân nhắc việc rút hết quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters
Người dân Afghanistan vui mừng lúc Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận lịch sử hồi tháng 2-2020. Giờ đây, Mỹ cân nhắc việc rút hết quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters

Vấn đề rút toàn bộ 2.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan trước ngày 1-5 theo thỏa thuận giữa Washington và Taliban hồi tháng 2-2020 được đặt ra. Thời hạn cuối đang đến gần, nhưng chính phủ Mỹ giờ đây cân nhắc phương án rút quân trong bối cảnh bạo lực vẫn gia tăng ở Afghanistan.

Theo BBC, trong thư gửi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng, Taliban có thể nhanh chóng trỗi dậy đánh chiếm lãnh thổ khi lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rời đi. Ông Blinken bày tỏ lo ngại về “làn sóng tấn công vào mùa xuân” của Taliban và nói rằng Mỹ “đang cân nhắc việc rút quân trước ngày 1-5 và xem xét những phương án khác”.
Hãng Reuters cho hay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận tính xác thực của bức thư nói trên, nhưng khẳng định Washington chưa có bất kỳ quyết định nào về lực lượng Mỹ sau ngày 1-5. “Mọi phương án vẫn được đặt trên bàn”, người phát ngôn này nói.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ phát động cuộc chiến tranh Afghanistan nhằm lật đổ Taliban. Khi làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ và yêu cầu tìm kiếm thỏa thuận để nhanh chóng rút toàn bộ binh sĩ về nước. Một trong những lời hứa của ông Trump khi tranh cử cũng là rút binh sĩ Mỹ khỏi cuộc chiến này.

Cuối tháng 2-2020, Mỹ ký thỏa thuận lịch sử với Taliban, mở đường để đưa toàn bộ binh sĩ nước ngoài ở Afghanistan về nước. Đổi lại, Taliban phải ngăn chặn Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tổ chức các cuộc tấn công đe dọa an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh.

Tuy nhiên, khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, ông Joe Biden cam kết xem xét lại thỏa thuận nói trên. Nhà Trắng cho rằng, bạo lực vẫn xảy ra với những vụ ám sát có chủ đích nhằm vào các nhà báo, nhà hoạt động, chính trị gia, nữ thẩm phán... Giờ đây, trong thư, Ngoại trưởng Blinken đề xuất giảm bạo lực 90 ngày nhằm ngăn ngừa làn sóng tấn công vào mùa xuân của Taliban ở Afghanistan, đồng thời thúc đẩy nỗ lực hòa bình quốc tế mới có sự giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) để đạt được “một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện”.

Thư của ông Blinken đề nghị LHQ triệu tập cuộc họp các ngoại trưởng và đặc phái viên của các cường quốc ở khu vực. Theo đó, hội nghị do LHQ bảo trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể diễn ra trong một vài tuần tới, với sự tham gia của Iran, Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước sẽ thống nhất cách tiếp cận nhằm hỗ trợ hòa bình cho Afghanistan. BBC nhận định, bức thư cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến dài hơi và tốn kém nhất. Mới đây, Tổng thống Ghani đã gặp gỡ Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad ở thủ đô Kabul để bàn thảo về việc thúc đẩy cuộc hòa đàm vốn bị đình trệ với các đại diện Taliban tại Qatar.

Tuy nhiên, theo báo The Telegraph, Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) tại Afghanistan Roland Kobia nghi ngờ cách tiếp cận của Mỹ và cho rằng Kabul có hiến pháp, bầu cử và các thỏa thuận riêng. Về phía Taliban, việc Mỹ hoãn rút quân có thể khiến lực lượng này tức giận, ảnh hưởng đến cuộc hòa đàm với chính phủ Kabul. Tiến độ đàm phán hiện rất chậm và tình trạng bạo lực gia tăng cho thấy “một giải pháp chính trị công bằng và bền vững, cũng như một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện” - như mong muốn của Mỹ - vẫn còn xa với Afghanistan.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.