Phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng, an toàn

.

Thế giới trông chờ vắc-xin ngừa Covid-19 để có thể mở cửa trở lại, đưa các hoạt động của con người về trạng thái bình thường. Thế nhưng, kể từ khi có các loại vắc-xin ngừa Covid-19 được phê chuẩn đưa vào lưu hành, phân phối cho các nước, một số vấn đề đặt ra:

Một là tính công bằng trong việc phân phối vắc-xin.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, đến nay, chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu do cơ quan y tế này dẫn đầu, phối hợp với Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác khác đã phân phối hơn 34 triệu liều vắc-xin tới 51 quốc gia. Mặc dù vậy, theo ông, lượng vắc-xin được phân phối thông qua COVAX còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2-3% dân số ở các nước nhận được vắc-xin. Ông Tedros kêu gọi gia tăng mạnh mẽ năng lực sản xuất vắc-xin của các hãng dược phẩm để đối phó với Covid-19.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia phát triển có nguồn tài chính dồi dào, hoặc sở hữu các hãng dược phẩm sản xuất vắc-xin, nên đã có hàng triệu liều vắc-xin được cung cấp tiêm chủng cho người dân. Trong khi đó, nhiều nước - nhất là các nước nghèo - vẫn chưa có cơ hội tiếp cận vắc-xin. Liên Hợp Quốc cũng như một số quốc gia đã cảnh báo về sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc-xin.

Hai là “hộ chiếu vắc-xin”.

Nhiều nước đã đặt ra vấn đề cung cấp “hộ chiếu vắc-xin” cho người đã tiêm chủng để có thể tự do đi lại trên toàn cầu. Tuy nhiên, “hộ chiếu” đặc biệt này đang đặt ra không ít mối lo, nhất là với những người nghèo. Trung Quốc vừa trở thành quốc gia mới nhất phát hành “hộ chiếu vắc-xin”. Hộ chiếu điện tử này có thể in ra giấy, được phổ biến qua WeChat, mạng xã hội được dùng rộng rãi tại Trung Quốc.

Trong khi đó, trả lời báo giới, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp về y tế của WHO khẳng định: Quan điểm của WHO là các quốc gia không nên thực hiện chủ trương này vào thời điểm hiện tại, do có “nhiều vấn đề mang tính thực tiễn và đạo lý thực sự”. Ông Ryan nêu một số lý do:

Trước hết, vắc-xin ngừa Covid-19 chưa đủ cho dân cư toàn cầu và cũng chưa được phân phối công bằng. Thứ hai, WHO hiện chưa biết các loại vắc-xin đã được cấp phép sẽ bảo đảm miễn dịch trong thời gian bao lâu và các dữ liệu vẫn đang trong giai đoạn thu thập.

TS. Clare Wenham, trợ lý giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London (Anh) cho rằng: “Từ góc độ đạo đức, “hộ chiếu vắc-xin” là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bạn sẽ tạo ra một hệ thống hai cấp và lịch sử cho thấy rằng khi bạn tạo ra sự chia rẽ trong xã hội, điều đó dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự. Đó là sự phân biệt chủng tộc”. WHO đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”.

Ba là “ngoại giao vắc-xin”.

Đây là vấn đề được cảnh báo sớm, khi một số quốc gia đã sử dụng việc cung cấp vắc-xin như một công cụ để gia tăng “quyền lực mềm” nhằm vào các nước nghèo, có vị trí chiến lược “địa chính trị”. Hãng tin Reuters ngày 8-3 dẫn lại hai nguồn tin từ giới chức cao cấp Ấn Độ cho biết, liên minh Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng tiêm chủng toàn cầu để chống lại việc Trung Quốc gia tăng “quyền lực mềm”, với chính sách “ngoại giao vắc-xin”. Tại hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ vào ngày 12-3 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ thảo luận về những nỗ lực không ngừng trong cuộc chiến chống Covid-19 và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong công tác bảo đảm phân phối các loại vắc-xin một cách an toàn, công bằng, với giá cả phải chăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Từ những diễn biến nói trên, giới chuyên gia và dư luận quốc tế kêu gọi các chính phủ hãy coi Covid-19 là thảm họa của nhân loại, nên cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hành động vì cộng đồng, không biến đó thành cơ hội “chỉ cho quốc gia riêng rẽ”, hay những toan tính “quyền lực mềm”. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature ngày 24-2, GS, TS Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm Tác động chính sách trong y tế toàn cầu, Đại học Duke (Mỹ) viết: “Nếu thế giới giàu có tiếp tục tích trữ vắc-xin, Covid-19 sẽ kéo dài thêm 7 năm nữa”.

 TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.