Quốc tế

Quan hệ Mỹ - Iran sau vụ không kích Syria

10:14, 01/03/2021 (GMT+7)

Cuộc không kích của Mỹ ngày 26-2 tại Syria nhằm vào lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn mạnh mẽ nhất ở Trung Đông, cũng là thông điệp cứng rắn gửi Tehran rằng Washington sẽ không dung thứ cho các hoạt động tấn công lực lượng Mỹ.

Lực lượng Mỹ tuần tra ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria. 		Ảnh: Daily News
Lực lượng Mỹ tuần tra ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria. Ảnh: Daily News

Tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "ngoại giao trở lại". Nhưng chỉ một tuần sau, ông ra lệnh không kích Syria. Theo báo The Guardian, ông Biden là Tổng thống Mỹ duy nhất mở chiến dịch ném bom đầu tiên chỉ sau một tháng nhậm chức. Mục tiêu của ông là các cơ sở lực lượng dân quân ở phía đông Syria vốn được Iran hậu thuẫn để trả đũa các vụ tấn công mà Tehran đã thực hiện nhằm vào binh sĩ Mỹ tại Iraq hồi đầu tháng 2.

Báo The Guardian nhận định: Tổng thống Biden có lẽ muốn gửi thông điệp rằng, Iran sẽ trả giá đắt nếu ra lệnh tấn công các binh sĩ Mỹ nhằm gây áp lực buộc Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Tuy nhiên, ông Biden cũng cho thấy, việc không tham gia JCPOA gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ, bởi chương trình hạt nhân của Iran đang tiến triển, trong khi Washington và Tehran tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu quân sự. Tổng thống Biden hiểu rõ tình huống như vậy. Đội ngũ của ông nhiều năm qua đã chỉ trích chiến lược gây áp lực đối đa của ông Donald Trump - lúc còn là Tổng thống Mỹ - lên Iran.

Giới quan sát cho rằng, ý định của ông Biden đưa Mỹ trở lại JCPOA là rõ ràng. Thế nhưng, thay vì đưa “ngoại giao trở lại”, người đứng đầu Nhà Trắng lại dùng hành động quân sự, khiến con đường tái tham gia JCPOA và khôi phục thỏa thuận này có thêm nhiều thách thức, dù trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Mỹ, Tổng thống Biden cho biết ông hành động dựa trên quyền tự vệ vốn có của Washington được ghi nhận trong hiến chương Liên Hợp Quốc.

Syria lên án vụ không kích của Mỹ, cho rằng đây là “dấu hiệu xấu” từ chính phủ mới của Tổng thống Biden, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công của Washington trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Vậy vụ không kích của Mỹ có đẩy mối quan hệ Washington - Tehran đến xung đột hay không? Câu trả lời, theo giới quan sát quốc tế, nhiều khả năng là “không”, bởi Tổng thống Biden chỉ muốn mở rộng sự can dự của quân đội Mỹ trong khu vực, thực chất là để bảo vệ quân đội Mỹ ở Iraq, đồng thời tránh tình huống khó xử cho chính phủ Baghdad.

Song, có nhiều quan ngại đặt ra. Theo báo The Guardian, thứ nhất, Mỹ tạo ra căng thẳng không cần thiết xung quanh việc cường quốc này hay Iran sẽ hành động trước trong việc hồi sinh JCPOA. Thay vì phối hợp với các đối tác châu Âu (Anh, Pháp, Đức) - những nước tham gia JCPOA - để thúc đẩy giải pháp cả hai cùng trở lại thỏa thuận, thì chính phủ của ông Biden dường như công khai yêu cầu Iran cần tuân thủ thỏa thuận trước khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.

Thứ hai, chính phủ của ông Biden đi theo “chiến lược đổ lỗi” không mang lại hiệu quả cao và có thể gây tổn hại đến bầu không khí ngoại giao. Thông điệp của Mỹ là Iran không tuân thủ JCPOA và quả bóng nằm trong sân Tehran, mặc dù chính Washington mới là nước rời thỏa thuận vào năm 2018 (dưới thời ông Donald Trump). Quan điểm của ông Biden là Mỹ đơn giản không chịu trách nhiệm về những hành động của chính phủ tiền nhiệm. Nước Mỹ hiện có Tổng thống mới. Do đó, nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận thì đó là lỗi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trong khi đó, tạp chí The Week dẫn lời ông Ali Shamkhani, quan chức an ninh hàng đầu của Iran, ngày 27-2 cho rằng các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria sẽ làm hồi sinh chủ nghĩa khủng bố ở khu vực. Theo ông Shamkhani, động thái của Mỹ sẽ “củng cố và mở rộng hoạt động” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Iran sẽ đối đầu với các kế hoạch như vậy của Washington ở Trung Đông.

Mỹ đã nhất trí tham gia một cuộc đàm phán không chính thức với Iran do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, nhưng Tehran đang xem xét đề nghị này. Giờ đây, rất có thể Tehran sẽ hủy bỏ đàm phán...

VĨNH AN

.