WHO kết thúc điều tra ở Vũ Hán và 5 nghi vấn còn sót lại

.

Sau cuộc điều tra kéo dài một tháng tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhóm các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra kết luận rằng nguồn gốc của đại dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ loài dơi và truyền sang người qua động vật trung gian. Tuy nhiên, câu hỏi chính vẫn là người đầu tiên bị nhiễm SARS-CoV-2 khi nào, ở đâu và bằng cách nào.

Các điều tra viên của WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh AFP
Các điều tra viên của WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh AFP

Dự kiến trong tuần tới, nhóm các chuyên gia của WHO sẽ hoàn thành báo cáo về cuộc điều tra của mình. Trước lúc đó, tạp chí khoa học Nature đã chỉ ra 5 nghi vấn chính xung quanh nguồn gốc của đại dịch.

SARS-CoV-2 đã “lưu hành” ở Vũ Hán trước khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên?

Để truy vết nguồn gốc của virus, điều quan trọng là phải xác định chính xác thời điểm các ca nhiễm đầu tiên xảy ra ở người. Ông Peter Ben Embarek, một nhà khoa học về an toàn thực phẩm tại WHO - trưởng nhóm điều tra cho biết, nhóm đã xác định được rằng người đầu tiên nhiễm Covid-19 là một nhân viên văn phòng ở Vũ Hán, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng vào ngày 8-12-2019. “Tuy nhiên, virus có lẽ đã lây lan trong thành phố từ trước đó”, ông nói.

Không có bằng chứng thuyết phục về sự lây nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát sâu rộng về các báo cáo của bệnh nhân từ các bệnh viện ở Vũ Hán được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019 và xác định được ít hơn 100 người có các triệu chứng của Covid-19. Sau đó, họ xét nghiệm máu của 67 người trong số những người đó để tìm kháng thể được tạo ra do nhiễm SARS-CoV-2 trong quá khứ, nhưng không tìm thấy kháng thể nào. Điều này cho thấy rằng không có ổ dịch lớn nào tồn tại trước tháng 12 ở tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên, ông Embarek cho rằng việc phân tích nên được thực hiện lại bằng cách sử dụng các tiêu chí triệu chứng ít hạn chế hơn để bảo đảm không bỏ sót trường hợp mắc Covid-19 nào.

“Ngoài ra, các nhà khoc học Trung Quốc cũng nên tìm kiếm bằng chứng về các ca nhiễm trong quá khứ đối với khoảng 200.000 mẫu xét nghiệm đang được lưu trữ tại Trung tâm Máu Vũ Hán và ở các khu vực khác trên khắp Trung Quốc”, ông Dominic Dwyer, nhà virus học tại Bệnh viện Y tế New South Wales, Australia, thành viên nhóm điều tra, cho biết.

SARS-CoV-2 có lây lan ngoài Trung Quốc từ trước tháng 12-2019 không?

Câu trả lời cũng là chìa khóa để thiết lập mốc thời gian cho các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Trước đó, các nhà nghiên cứu ở châu Âu cho biết đã tìm thấy kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong các mẫu lấy từ ngân hàng máu từ tháng 11-2019 trở đi.

Ông Embarek cho rằng điều này không có nghĩa là SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ châu Âu, nhưng ông ủng hộ ý kiến cho rằng virus đã lây lan ở Vũ Hán trước khi người ta phát hiện các ca nhiễm đầu tiên.

“Vũ Hán vào thời điểm đó là một thành phố quốc tế được kết nối rất tốt với các chuyến bay thẳng đến toàn thế giới hằng ngày. Vì vậy, nếu virus được lưu hành ở Vũ Hán thì nó có thể dễ dàng được đưa đến những nơi khác trên thế giới thông qua những người du lịch và lưu hành trở lại mà không bị phát hiện”, ông nói.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị rằng các mẫu máu từ châu Âu nên được kiểm tra lại để xác nhận rằng có các trường hợp nhiễm Covid-19. Ông nói, một số trong số các mẫu máu là từ Italy và Pháp và đang được phân tích lại.

Vai trò của chợ Hoa Nam?

Động vật trung gian truyền virus từ dơi sang người vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là một loài động vật hoang dã được bán làm thức ăn ở các khu chợ, nơi thường bán động vật sống.

Thời kỳ đầu của đại dịch, các nhà điều tra đã tập trung vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, vì ở đó bán động vật tươi sống, đông lạnh và nhiều người trong số những người từng đến khu chợ này đã bị nhiễm Covid-19. Nhưng nghi vấn này đã được xua tan khi các trường hợp ban đầu khác được phát hiện không liên quan đến khu chợ. Virus đã được xác định trong cống rãnh và nước thải ở chợ, nhưng người ta không tìm thấy xác của bất kỳ động vật nào.

Tuy nhiên, khu chợ lại là nơi duy nhất có một số lượng lớn những người bị nhiễm bệnh đã từng tiếp xúc với thịt và động vật. Ông Nguyễn Việt Hùng, thành viên nhóm điều tra, nhà nghiên cứu về môi trường và an toàn thực phẩm tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế ở Nairobi, cho biết điều quan trọng là phải xác định cách thức virus xâm nhập vào khu chợ và liệu nó có lây nhiễm trên động vật hay không.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định được 10 gian hàng bán động vật hoang dã hoặc vật nuôi có thể đã mang virus vào chợ từ các trang trại ở miền Nam Trung Quốc. Một số động vật hoang dã được bán để lấy thịt, chẳng hạn như thỏ và chồn hôi, dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc virus liên quan gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).

Thịt động vật đông lạnh có giúp lây lan virus?

Mặc dù các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã phân lập được RNA của virus từ bao bì của cá đông lạnh nhập khẩu, nhưng ông Ben Embarek cho biết nhóm của WHO đã kết luận rằng những hàng hóa này không có khả năng là con đường đưa virus đến Vũ Hán đầu tiên.

“Không có bằng chứng nào cho thấy virus xâm nhập vào thị trường thông qua động vật hoang dã đông lạnh bị nhiễm bệnh”, ông nói.

SARS-CoV-2 đã “lưu hành” trong các loài động vật ở Trung Quốc trước khi xảy ra đại dịch?

Để xác định loài động vật nào đã truyền virus cho người, các nhà nghiên cứu cần tìm bằng chứng về virus ở loài đó. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã thử nghiệm khoảng 30.000 động vật hoang dã, động vật nuôi và thú cưng vào năm 2019 và 2020 nhưng không tìm thấy bằng chứng về việc nhiễm SARS-CoV-2 đang diễn ra hoặc trong quá khứ, ngoại trừ ở một số con mèo ở Vũ Hán vào tháng 3 năm 2020.

Tuy nhiên, ông Ben Embarek nói rằng những cuộc khảo sát này không đại diện cho tổng thể động vật của Trung Quốc và nhiều loài động vật khác cần được kiểm tra để tìm dấu vết nhiễm trùng, đặc biệt là ở các trang trại động vật hoang dã. Ông Daszak, thành viên nhóm điều tra, nói: “Số lượng xét nghiệm đã được thực hiện không đủ để nói rằng các trang trại động vật hoang dã không mang virus”.

Ông Daszak cho biết, cách dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12 cho thấy rằng virus có thể đã “xâm nhập” thông qua hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Ông nói rằng thử nghiệm trong tương lai nên tập trung vào động vật hoang dã được nuôi trong các trang trại.

Theo Chinhphu.vn

;
;
.
.
.
.
.