Hãng tin Reuters dẫn báo cáo ngày 15-3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, doanh số bán vũ khí toàn cầu chững lại trong giai đoạn 2016-2020, chấm dứt hơn một thập niên liên tục gia tăng. Đây là lần đầu tiên kể từ sau giai đoạn 2001-2005, lượng chuyển giao vũ khí giữa các quốc gia trên thế giới không tăng so với chu kỳ 5 năm trước đó.
Theo SIPRI, Mỹ, Pháp và Đức - 3 trong số những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay - ghi nhận sự tăng lượng chuyển giao vũ khí. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc giảm xuất khẩu khí tài giai đoạn 2016-2020, qua đó khiến doanh số bán vũ khí toàn cầu “giậm chân tại chỗ”. Song, SIPRI cho rằng, còn quá sớm để nhận định tình trạng tiếp tục chững lại của hoạt động xuất khẩu vũ khí trong thời gian tới trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế thế giới rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng.
Hãng tin Reuters dẫn nhận định của ông Pieter Wezeman, chuyên gia dự án Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí của SIPRI cho hay, tác động về mặt kinh tế của Covid-19 có thể khiến một số quốc gia đánh giá lại hoạt động nhập khẩu vũ khí trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, một số quốc gia vẫn ký những hợp đồng vũ khí giá trị lớn. Đơn cử, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vừa ký thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD để mua 50 tiêm kích tàng hình F-35 và 18 máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, các nước Trung Đông thuộc nhóm nhập khẩu nhiều vũ khí nhất, tăng 25% trong giai đoạn 2016-2020 so với 2011-2015. Trong số này, Saudi Arabia - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - ghi nhận tăng trưởng 61% lượng vũ khí nhập khẩu. Châu Á và châu Đại dương là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất, nhận 42% vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020. Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pakistan vẫn là những nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất khu vực.
THƯ LÊ