Châu Âu căng mình với làn sóng Covid-19 thứ ba

.

Số ca mắc Covid-19 gia tăng, tốc độ tiêm chủng chậm, hệ thống y tế chịu áp lực nặng nề, một số chính phủ phải áp đặt biện pháp phong tỏa… Đó là những gì mà châu Âu đang trải qua khi ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ ba.

Nhiều khu vực của Áo bị phong tỏa từ ngày 1-4 đến ít nhất ngày 10-4. Trong ảnh: Một góc thành phố Vienna ngày 22-3, trước lúc chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa. Ảnh: AP
Nhiều khu vực của Áo bị phong tỏa từ ngày 1-4 đến ít nhất ngày 10-4. TRONG ẢNH: Một góc thành phố Vienna ngày 22-3, trước lúc chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa. Ảnh: AP

Theo Reuters, trong những ngày gần đây, chính phủ nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) liên tục cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ quá tải do số ca mắc Covid-19 tăng cao. Nguyên nhân được cho là các biến thể SARS-CoV-2 (B.1.1.7), được phát hiện đầu tiên ở Anh, đang lây lan nhanh hơn.

Pháp phong tỏa cả nước lần 3

Trang thống kê worldometers cho hay, châu Âu hiện có tổng cộng hơn 39,7 triệu ca nhiễm và 915.000 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, Pháp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 4,6 triệu ca nhiễm và 95.600 ca tử vong. Tiếp đó lần lượt là Nga với 4,5 triệu ca nhiễm và 99.200 ca tử vong; Vương quốc Anh: 4,3 triệu ca nhiễm và 126.700 ca tử vong; Ý: hơn 3,5 triệu ca nhiễm và 109.000 ca tử vong.

Pháp ghi nhận hơn 59.000 ca nhiễm mới và 304 ca tử vong trong ngày 31-3. Các phòng chăm sóc đặc biệt tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở quốc gia châu Âu này đang bị quá tải và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin kéo dài hơn dự kiến. Reuters cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 31-3 ra lệnh phong tỏa cả nước lần thứ 3. Các trường học sẽ phải đóng cửa trong 3 tuần kể từ tuần tới. Trong 4 tuần, tính từ đêm 3-4, các quy định về du lịch sẽ được áp dụng trên cả nước, các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. “Chúng ta sẽ mất kiểm soát nếu chúng không hành động ngay lúc này”, Tổng thống Macron phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Pháp.

Cách đây vài tuần, Pháp đã phong tỏa 19 tỉnh sau khi áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đến nay không hiệu quả. Như vậy, dù đã tìm cách tránh áp đặt lệnh phong tỏa cả nước lần thứ ba, nhưng rốt cuộc ông Macron phải từ bỏ mục tiêu này. Nhà lãnh đạo Điện Élysée từng nói rằng, ông có thể đưa nước Pháp thoát khỏi đại dịch Covid-19 mà không cần phong tỏa đất nước trở lại và nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi sau đợt dịch hồi năm ngoái.

Tại Ý, chính phủ vừa thông qua sắc lệnh gia hạn các biện pháp hạn chế đến hết tháng 4, theo đó đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng. Nhân viên y tế bắt buộc tiêm vắc-xin. Trong lúc đó, Bỉ đóng cửa trường học, khu vực biên giới, hạn chế người dân đến các cửa hàng nếu không cần thiết. Reuters dẫn lời Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven khẳng định sẽ thực thi các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt thêm một thời gian nữa khi tỷ lệ lây nhiễm đang ở mức rất cao.

Theo CNN, nhiều khu vực của Áo cũng bắt đầu bị phong tỏa từ ngày 1-4 đến ít nhất ngày 10-4. Ngày 1-4, Áo ghi nhận hơn 3.600 ca nhiễm mới, trong đó thành phố Vienna có gần 1.000 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm ở nước này lên gần 546.000 ca, trong đó có 9.300 ca tử vong.

Tại Hungary, hệ thống y tế đang đứng trước nguy cơ quá tải khi ghi nhận 6.700 ca nhiễm mới và hơn 300 ca tử vong ngày 30-3.

Tốc độ tiêm vắc-xin chậm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1-4 cho rằng, chiến dịch vắc-xin ngừa Covid-19 của châu Âu “chậm đến mức không thể chấp nhận được”. “Vắc-xin là cách tốt nhất để chúng ta thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, việc triển khai các loại vắc-xin chậm đến mức không thể chấp nhận được và khiến đại dịch kéo dài”, AFP dẫn lời ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh. Ông Kluge kêu gọi đẩy nhanh quá trình tiêm chủng bằng cách tăng cường sản xuất, giảm các rào cản đối trong việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Trong khi đó, theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC), EU không đạt mục tiêu tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho 80% số người trên 80 tuổi và nhân viên điều dưỡng trong quý 1-2021. Cụ thể, đến nay có 59,8% số người dân ở châu Âu trên 80 tuổi đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Báo The Telegraph cho hay, cuối tuần này, các nước thành viên EU sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vắc-xin, gồm 67,2 triệu liều của Pfizer/BioNTech, 29,8 triệu liều của AstraZeneca và 9,8 triệu liều của Moderna. Những liều vắc-xin đầu tiên của Janssen (hãng con của Johnson & Johnson) sẽ được phân phối trong những tuần tới.

Nghị viện châu Âu (EP) cũng dự kiến phê chuẩn “hộ chiếu vắc-xin” (giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19) trong phiên họp toàn thể diễn ra từ ngày 7-6 đến 10-6 tới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích