Ấn Độ có gần 20 triệu ca mắc Covid-19

.

Hiện Ấn Độ có hơn 19,9 triệu ca nhiễm và gần 219.000 ca tử vong trong lúc quốc gia Nam Á này bắt đầu mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 với tất cả người trưởng thành.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho một phụ nữ ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 3-5. 						    Ảnh: AFP/Getty Images
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho một phụ nữ ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 3-5. Ảnh: AFP/Getty Images

Chính phủ Ấn Độ hiện chưa áp dụng lệnh phong tỏa cả nước để ngăn chặn Covid-19 dù số ca nhiễm mới được ghi nhận liên tiếp hơn 10 ngày qua đều ở mức trên 300.000 ca/ngày, trong đó ngày 30-4 ghi nhận hơn 400.000 ca.

Xếp thứ ba thế giới về số ca tử vong

Hãng tin AP cho biết, ngày 3-5, Ấn Độ có hơn 368.000 ca nhiễm mới và 3.417 ca tử vong. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), với hơn 19,9 triệu ca nhiễm và gần 219.000 ca tử vong, Ấn Độ xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm (sau Mỹ) và vượt qua Mexico để xếp thứ ba thế giới về số ca tử vong (sau Mỹ và Brazil). Mới đây, các nhà khoa học ở Ấn Độ cảnh báo đỉnh dịch của nước này sẽ diễn ra trong khoảng ngày 3-5 đến 5-5. Trước đó, họ dự báo đỉnh dịch sẽ xảy ra trong khoảng ngày 5-5 đến 10-5.

Số ca nhiễm mới nói trên được thông báo sau khi các lãnh đạo của 13 đảng đối lập gửi thư thúc giục chính phủ Ấn Độ mở rộng chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân cũng như bảo đảm oxy cho tất cả các bệnh viện. Lượng oxy cạn kiệt ở các bệnh viện khiến số ca tử vong do Covid-19 gia tăng, gây tình trạng quá tải các cơ sở hỏa táng. Tòa án New Delhi tuyên bố sẽ trừng phạt các quan chức nếu để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung y tế.

Bang Delhi đang gia hạn lệnh phong tỏa thêm 7 ngày, tức đến ngày 10-5. Bang Haryana bắt đầu áp đặt phong tỏa hoàn toàn trong 7 ngày kể từ ngày 3-5. Theo Reuters, Bộ Y tế Ấn Độ đề xuất thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại ít nhất 150 quận, huyện trong tổng số 741 quận, huyện trên cả nước. Song, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi chưa có động thái áp đặt phong tỏa trên cả nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tác động đến chính trị

Theo AP, chính phủ của Thủ tướng Modi bị chỉ trích vì ứng phó không hiệu quả với làn sóng thứ hai của Covid-19. Các cuộc tuần hành vận động tranh cử do đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) và các đảng khác tổ chức cùng với lễ hội bên sông Hằng đã khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Kết quả bầu cử ở bang West Bengal ngày 3-5 cho thấy, BJP chỉ giành 75 ghế, trong khi đảng AITC giành chiến thắng áp đảo với hơn 200/294 ghế. Với kết quả này, bà Mamata Banerjee (66 tuổi) - Thủ hiến bang West Bengal - nhiều khả năng sẽ tiếp tục tại nhiệm lần thứ ba. 

Thất bại của BJP ở bang West Bengal được cho là phản ứng của cử tri đối với cách chính phủ liên bang ứng phó Covid-19. Hiện BJP vẫn chiếm ưu thế ở bang phía đông bắc Assam nhưng đã mất quyền kiểm soát ở hai bang phía nam. Hãng tin AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, kết quả bầu cử ở các bang làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Modi khi đại dịch như “cơn sóng thần” làm tê liệt hệ thống y tế của quốc gia này.

Trong lúc đó, từ ngày 1-5, Ấn Độ mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người từ 18-44 tuổi. Là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân từ tháng 1-2021, nhưng đến nay Ấn Độ chỉ tiêm 1 mũi vắc-xin cho 10% dân số; chỉ 1,5% dân số nhận đủ 2 liều tiêm. Việc mở rộng chương trình tiêm chủng cho tất cả những người trưởng thành cần khoảng 1,6 tỷ liều vắc-xin.

Thiếu vắc-xin

Một vấn đề đặt ra là Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin. Báo The Independent dẫn lời ông Adar Poonawalla, Giám đốc Viện Serum của Ấn Độ (SII), nơi đang sản xuất vắc-xin của hãng AstraZeneca và Đại học Oxford, nói rằng quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng thiếu vắc-xin cho đến ít nhất là tháng 7 bởi chính phủ không có sự chuẩn bị ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai. Ông Poonawalla cho biết, SII không thể gia tăng sản xuất khi không có lệnh từ chính phủ.

Tuy nhiên, CNN cho hay, trên Twitter, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 3-5 bác bỏ thông tin chính phủ không “đặt hàng vắc-xin”, cho rằng thông tin này “không đúng và không có cơ sở”.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích