Ấn Độ đối mặt với làn sóng thứ ba Covid-19

.

Làn sóng thứ hai Covid-19 vẫn chưa dứt ở Ấn Độ thì quốc gia Nam Á này sẽ phải đối mặt với làn sóng thứ ba do khả năng lây lan của các biến thể virus quá cao.

Một sân vận động ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) được sử dụng làm nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AFP/Getty Images
Một sân vận động ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) được sử dụng làm nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo Reuters, ngày 6-5, Ấn Độ ghi nhận hơn 412.000 ca nhiễm mới và gần 4.000 ca tử vong, đánh dấu số ca nhiễm và tử vong ở mức kỷ lục trong vòng 24 giờ. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt quá 21 triệu, số ca tử vong lên đến hơn 230.000.

Trước đó, chính phủ dự đoán Ấn Độ đã ở đỉnh dịch. Tuy nhiên, với số ca nhiễm mới ghi nhận, trên Twitter, GS. Rijo M John ở Học viện Quản lý Ấn Độ tại bang miền nam Kerala nói rằng, tình hình hiện tại xua tan đồn đoán về đỉnh dịch ở quốc gia này trong làn sóng thứ hai.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ chiếm gần ½ số ca nhiễm mới của thế giới và số ca tử vong mới chiếm ¼ con số tử vong của toàn cầu do Covid-19 trong tuần qua. Thế nhưng, theo Reuters, các chuyên gia y tế cho rằng, những con số thực tế ở Ấn Độ có thể cao gấp 5-10 lần so với số liệu thống kê.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi ngày 5-5, Cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ K Vijay Raghavan nhấn mạnh: Làn sóng Covid-19 thứ ba tại Ấn Độ sẽ là điều “không tránh khỏi” dù chưa ai có thể dự báo được thời điểm nó xảy ra. “Chúng ta nên chuẩn bị cho làn sóng dịch mới”, ông Raghavan nói.

Làn sóng hiện tại với số ca nhiễm tăng vọt kể từ cuối tháng 3 khiến Ấn Độ xếp thứ hai thế giới (sau Mỹ) và xếp thứ ba thế giới (sau Mỹ và Brazil) về số ca tử vong. Các bệnh viện thiếu giường bệnh, thiếu oxy và thậm chí các điểm hỏa táng cũng không đủ chỗ khi số ca tử vong được ghi nhận trung bình 3.200 ca/ngày. Đội ngũ nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch cũng đang thiếu hụt lực lượng.

Hiện thủ đô New Delhi và bang Maharashtra bị tác động dịch bệnh nghiêm trọng nhất, nhưng các bang khác như Tây Bengal, Kerala và Karnataka cũng ghi nhận số ca nhiễm mới đang gia tăng. Thậm chí, Tây Bengal có tốc độ bùng phát Covid-19 cao nhất nước nhưng hoạt động bầu cử địa phương vẫn diễn ra ở nơi đây vào cuối tháng 4 vừa qua.

Một số bang ở Ấn Độ đang đặt trong tình trạng phong tỏa hoặc giới nghiêm như thủ đô New Delhi, các bang Bihar và Maharashtra, nhưng chính phủ chần chừ trong việc áp đặt phong tỏa trên cả nước do lo ngại tác động đối với kinh tế. Hãng tin AFP cho hay, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không ủng hộ việc đóng cửa.

Cách đây vài ngày, báo Indian Express dẫn lời ông Anthony Fauci - cố vấn hàng đầu về đại dịch Covid-19 của chính phủ Mỹ, nói rằng Ấn Độ nên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc tạm thời, tức chỉ trong vài tuần để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm tăng đột biến. Bang Kerala ở miền nam Ấn Độ sẽ được phong tỏa từ ngày 8-5 đến 16-5. Ngày 5-5, bang này ghi nhận gần 42.000 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong.

Hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ không phải là quốc gia cuối cùng chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt trong lúc xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2. Biến thể mới (phiên bản đột biến kép) của SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Ấn Độ có tên B.1.617, đến nay đã lan ra khoảng 20 nước.

Các nước láng giềng của Ấn Độ ứng phó dịch bệnh

Tình trạng bùng phát dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang có dấu hiệu lan sang các nước láng giềng như Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Hãng tin AFP cho hay, cả ba nước này đang ứng phó với số ca nhiễm gia tăng. Ngày 5-5, Nepal ghi nhận thêm 8.600 ca nhiễm mới và 58 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh và ca tử vong lần lượt là 359.000 và 3.400.

Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka cấm các chuyến bay đến từ Ấn Độ. Bangladesh ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 14-4 và đóng cửa biên giới với Ấn Độ vào ngày 26-4. Sri Lanka vừa ghi nhận thêm hơn 1.900 ca nhiễm mới và 14 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 117.500 và số ca tử vong là 734. Bangladesh có tổng cộng 767.300 ca nhiễm và 11.700 ca tử vong, nhưng các chuyên gia cho rằng, những con số thực tế ở các nước Nam Á cao hơn thế.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.