Quốc tế

BỎ BẢN QUYỀN VẮC-XIN COVID-19

Châu Âu chia rẽ

09:32, 08/05/2021 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có nhiều ý kiến khác nhau việc tạm từ bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19.

Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Sainte-Genevieve-des-Bois, thuộc tỉnh Essonne, miền bắc nước Pháp. 									                Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Sainte-Genevieve-des-Bois, thuộc tỉnh Essonne, miền bắc nước Pháp. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng tin AFP cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, EU sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng trước mắt sẽ thúc đẩy nguồn cung vắc-xin toàn cầu. Bà kêu gọi tất cả các nước sản xuất vắc-xin cho phép xuất khẩu và tránh áp dụng các biện pháp gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong lúc số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng.

“EU sẵn sàng thảo luận về bất kỳ đề xuất nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra một cách hiệu quả và thực tế. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng bàn về đề xuất của Mỹ đối với việc từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan vắc-xin ngừa Covid-19 để đạt được mục tiêu đó”, bà Ursula von der Leyen nói.

Nhiều nước ủng hộ đề xuất của Mỹ

Ngày 5-5, Chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia các cuộc đàm phán của WTO về việc dỡ bỏ các rào cản để giúp việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 phổ biến, đồng thời giúp các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vắc-xin.

Động thái của Mỹ đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi việc Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền đối với vắc-xin ngừa Covid-19 là thời khắc đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại một đại dịch đã làm hơn 156,7 triệu người nhiễm bệnh và 3,27 triệu người tử vong.

Từ đầu tháng 3, ông Tedros đã lên tiếng ủng hộ việc miễn bảo hộ bản quyền vắc-xin để cho phép các nước trên thế giới có thể sản xuất và bán vắc-xin ngừa Covid-19 với giá rẻ. Ông Tedros cho rằng, tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ không có nghĩa là những sáng chế sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hồi vốn và có lợi nhuận, mà các công ty sản xuất vắc-xin sẽ nhận được tiền bản quyền cho các sản phẩm của mình.

Theo Reuters, các nước châu Âu như Pháp, Áo, Ý, Nga và cả Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đều ủng hộ ý tưởng bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19. WTO sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này vào ngày 10-5 tới.

Trong khi đó, AFP cho hay, vấn đề nói trên cũng là một phần của chương trình nghị sự tại Porto (Bồ Đào Nha) ngày 7 và 8-5, khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp - cuộc họp trực tiếp đầu tiên của khối này trong gần 5 tháng qua. Song, vì đại dịch Covid-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Malta Robert Abela tham dự trực tuyến.

Pháp nói có, Đức nói không

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh ông ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu bằng độc quyền sáng chế dành cho vắc-xin ngừa Covid-19. Ông cho hay, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Pháp sẽ được đẩy mạnh, chẳng hạn như mọi người trưởng thành đều được tiêm vắc-xin từ tuần tới, chứ không chỉ tiêm cho những người ngoài 55 tuổi và những người mắc bệnh mạn tính. Nhà lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích việc Anh và Mỹ không xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - tỏ rõ quan điểm không ủng hộ bỏ bản quyền đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Người phát ngôn Chính phủ Đức nói rằng, việc đẩy mạnh sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền. Đức tuyên bố ủng hộ cơ chế phân phối vắc-xin của WHO (chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu mang tên COVAX), nhưng cho rằng chương trình này cũng cần bảo vệ phát minh của các ngành công nghiệp.

Hầu hết các hãng dược lớn đều không muốn bỏ bản quyền đối với vắc-xin ngừa Covid-19 do lo ngại ảnh hưởng lợi nhuận. Song, hầu hết các nước châu Âu ủng hộ vấn đề này bởi “lục địa già” đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành của EU vào cuối hè năm nay. EC đang chờ đợi một thỏa thuận về nguồn cung cấp vắc-xin lớn nhất thế giới nhằm bảo đảm cung cấp tới 1,8 tỷ liều vắc-xin Pfizer/BioNTech cho giai đoạn 2021-2023, qua đó đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin.

PHÚC NGUYÊN

.