Chờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

.

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21-5 tại Nhà Trắng mở ra hy vọng về một cuộc gặp tương tự giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 21-5. Ảnh: AFP
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 21-5. Ảnh: AFP

Hãng tin Fox News cho biết, Tổng thống Joe Biden đã chỉ định Đại sứ Sung Kim làm Đặc phái viên về Triều Tiên và động thái này cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng muốn có bước tiếp cận ngoại giao nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi việc Mỹ có Đặc phái viên mới về Triều Tiên là “món quà ngạc nhiên” bởi ông Sung Kim là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng tham gia đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông Sung Kim - hiện là Đại sứ Mỹ tại Indonesia - trước đó là cựu Đại sứ Mỹ ở Seoul, đóng vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore năm 2018. Hãng tin Yonhap cũng dẫn lời Tổng thống Moon cho hay, việc chọn Đặc phái viên mới là thông điệp của Mỹ gửi đến Bình Nhưỡng rằng cường quốc này sẵn sàng đối thoại, bởi ông Sung Kim có thể trao đổi với phía Triều Tiên mà không cần người phiên dịch.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã khẳng định Washington và Seoul đều “sẵn sàng dùng phương thức ngoại giao” với Bình Nhưỡng, hướng đến “mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, việc đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên là “nhiệm vụ chung cấp bách nhất mà cả hai nước chúng tôi phải thực hiện”.

Thực tế, theo Fox News, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng trong những tháng gần đây sau khi Bình Nhưỡng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung giữa Washington và Seoul. Bình Nhưỡng đã phản ứng bằng các vụ thử tên lửa tầm ngắn. Cuối tháng 4 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Biden tuyên bố đã hoàn tất việc xem xét chính sách đối với Triều Tiên: Tìm kiếm giải pháp ngoại giao theo hướng “tiếp cận từng bước, thực tế và hiệu chỉnh” với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; đồng thời cam kết đi con đường khác biệt với người tiền nhiệm Donald Trump. Ban đầu, báo Washington Post cho rằng, chính phủ của ông Biden muốn tìm “một giải pháp trung gian” giữa chiến lược “mặc cả lớn” của cựu Tổng thống Donald Trump với cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama. Sau khi đánh giá về chính sách với Triều Tiên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh: “Chính sách của chúng tôi đối với Triều Tiên không nhằm mục đích thù địch, mà là tìm các giải pháp”.

Ông Kwon Jong Gun, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói rằng, việc yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là xâm phạm quyền phòng vệ của quốc gia này, theo Fox News. Song, những gì vừa diễn ra cho thấy ông Biden có thể chú trọng tham vấn các đồng minh ở khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên nhiều hơn so với việc phát triển quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sẽ chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đưa ra cam kết về phi hạt nhân hóa. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, còn quá sớm để kỳ vọng một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và khả năng Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018 đến nay, Bình Nhưỡng không hề thử tên lửa tầm xa hay thử hạt nhân. Song, các cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều không mang lại thỏa thuận cụ thể nào; đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc. Tuy vậy, nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Moon Jae-in vẫn mang đến những hy vọng về sự đột phá trong việc xây dựng lại quan hệ Mỹ - Triều.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.