Ai Cập nỗ lực làm trung gian để duy trì hiệp ước đình chiến giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine sau cuộc xung đột kéo dài 11 ngày bởi thỏa thuận này vẫn rất mong manh.
Thành phố Gaza ngổn ngang những đống đổ nát sau cuộc xung đột kéo dài 11 ngày. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, Ai Cập và Israel tổ chức đối thoại cấp cao vào ngày 30-5 để củng cố thỏa thuận ngừng bắn giữa Tel Aviv và Hamas, đồng thời tìm cách tái thiết Dải Gaza đang ngổn ngang những đống đổ nát sau cuộc giao tranh được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014 đến nay. Tại thủ đô Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukry gặp gỡ người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi để bàn về thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ sáng sớm 21-5 và việc phóng thích các binh sĩ cũng như công dân Israel bị Hamas bắt giữ.
Trên Twitter, ông Ashkenazi viết: “Chúng tôi thảo luận về việc thiết lập thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn với Hamas, một cơ chế để cung cấp viện trợ nhân đạo và tái thiết Dải Gaza…”.
Trong lúc đó, Giám đốc Tình báo Ai Cập Abbas Kamel cũng đến thành phố Tel Aviv để gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và gặp các quan chức Palestine ở Ramallah. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức nói rằng, ông Kamel sẽ bàn với ông Netanyahu và chính quyền Palestine về việc tái thiết Dải Gaza. Ông Kamel sau đó sẽ gặp các thủ lĩnh Hamas tại Ramallah.
Các nguồn tin an ninh của Ai Cập xác nhận, tuần này, các nhân vật của Palestine, trong đó có thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh cũng bắt đầu đến Cairo để củng cố thỏa thuận ngừng bắn.
Thực tế, Ai Cập có quan hệ lâu đời với cả Israel lẫn Hamas, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn lần này. Quốc gia Bắc Phi cũng góp phần giúp vận chuyển viện trợ cho Dải Gaza bằng việc mở cửa khẩu Rafah giữa Gaza và bán đảo Sinai để giúp cung cấp viện trợ y tế, sơ tán những người bị thương…
Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao lý giải, vì Ai Cập có tầm quan trọng về an ninh ở biên giới giữa Gaza và bán đảo Sinai nên chính phủ Cairo rất quan tâm đến vấn đề hòa giải dân tộc của Palestine cũng như việc ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Hơn nữa, để Dải Gaza kết nối với thế giới, Ai Cập không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động nhằm giải quyết xung đột ở vùng “chảo lửa” nhạy cảm này.
Trước đây, Cairo đã đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức cho các phe phái đối địch tại Palestine đối thoại hòa giải dân tộc nhằm tiến tới việc xây dựng một nhà nước Palestine thống nhất. Cairo cũng từng 3 lần dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas và lần này là lần thứ tư. Không những thế, Ai Cập mới đây đã công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 500 triệu USD phục vụ quá trình tái thiết Dải Gaza.
Hãng tin Reuters cho rằng, đối với Ai Cập và Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, người có mối quan hệ tốt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một thành tựu ngoại giao thúc đẩy lệnh ngừng bắn sẽ cải thiện hình ảnh Cairo trong mắt chính phủ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Suốt mấy tháng sau khi nhậm chức, ông Biden không điện đàm với người đồng cấp Sisi. Song, chỉ 4 ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas được ký kết, người đứng đầu Nhà Trắng đã gọi điện cho ông Sisi hai lần.
Vấn đề đặt ra, cũng là mối lo ngại của các nhà phân tích, là sự tái hợp tác giữa Mỹ và Ai Cập vẫn bị hạn chế do thiếu một tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Cựu Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy nhận định: “Đây hầu như là quản lý xung đột hơn là giải quyết xung đột”. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn chỉ là tạm thời và bạo lực có thể bùng phát bất cứ khi nào. Tuy nhiên, trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để duy trì lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, tái thiết khu vực đã bị tàn phá nghiêm trọng, Ai Cập vẫn được kỳ vọng sử dụng sức mạnh ngoại giao và mang lại hiệu quả hơn cả.
VĨNH AN