Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào ngày 21-5 tại Nhà Trắng là dịp vừa gắn kết liên minh hai nước, vừa chứng minh chính sách xoay trục về châu Á của Chính phủ Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngày 20-5 (giờ địa phương). Ảnh: AP |
Trong lúc tình hình Trung Đông căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ đúng kế hoạch tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng. Đây là lần thứ hai ông Biden gặp gỡ trực tiếp một nhà lãnh đạo đến từ châu Á, sau cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hồi tháng trước. Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là trọng tâm của chương trình nghị sự Mỹ - Hàn; bên cạnh đó là việc phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu, các quan ngại về an ninh khu vực...
Thay đổi chiến lược tiếp cận với Triều Tiên
Theo AP, tháng 4-2021, Mỹ tuyên bố đã xem xét chính sách đối với Triều Tiên, tìm kiếm giải pháp ngoại giao theo hướng “tiếp cận từng bước, thực tế và hiệu chỉnh” với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Biden sẽ thay đổi các chiến lược của hai người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump trong cách tiếp cận với Bình Nhưỡng. Song, Washington không cho biết chi tiết về giải pháp thúc đẩy Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Một quan chức Nhà Trắng chỉ nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là hoàn tất việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in rất muốn nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, theo AP, không dễ để Tổng thống Biden ủng hộ ngay lập tức việc nối lại các cuộc đàm phán đang bế tắc. Chính phủ của ông Biden dường như ít nhiệt tình đối với ý tưởng đàm phán trực tiếp Mỹ - Triều trong tương lai gần. Các thách thức xã hội, kinh tế và chính trị khiến vấn đề Triều Tiên không còn là ưu tiên hàng đầu dưới thời Tổng thống Biden.
Hãng tin AP cho biết, ngày 20-5, khi được hỏi về việc Mỹ có sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên hay không, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Tôi không kỳ vọng nội dung này được đặt hàng đầu trên bàn nghị sự”. Vậy nhưng, Tổng thống Moon Jae-in vẫn khẳng định ông có kế hoạch thúc đẩy nhà lãnh đạo Mỹ làm mới những nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng. “Nếu có cơ hội khởi động lại đồng hồ hòa bình và thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể”, ông Moon phát biểu với báo giới Hàn Quốc hồi đầu tháng 5.
Ngoại giao vắc-xin
Cũng theo AP, Tổng thống Biden kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này là dịp để ông thúc giục Hàn Quốc đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030, đồng thời muốn Seoul đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Còn Tổng thống Moon Jae-in mong muốn ông Biden sẽ giúp Hàn Quốc gia tăng nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 trong lúc Mỹ dư lượng vắc-xin.
Trước đó, Seoul đã đánh tiếng rằng, nếu Mỹ chuyển giao công nghệ và nguyên liệu sản xuất vắc-xin cho Hàn Quốc, nước này có thể trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin toàn cầu nhờ năng lực sản xuất dược phẩm hiện đứng thứ hai thế giới. Hiện Hàn Quốc mới tiêm vắc-xin cho khoảng 5% dân số kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 26-2. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố mới đây cho thấy, gần 30% người dân Hàn Quốc coi việc bảo đảm vắc-xin ngừa Covid-19 là ưu tiên hàng đầu mà Tổng thống Moon Jae-in cần theo đuổi trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Một vấn đề đặt ra là Hàn Quốc có thể chần chừ và miễn cưỡng khi đề cập Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Seoul và cũng đóng vai trò then chốt, có những tác động đến Triều Tiên.
Hãng tin AP dẫn lời ông Michael Green, từng là Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia về châu Á trong chính phủ của cựu Tổng thống G.W. Bush cho rằng, Hàn Quốc rơi vào thế khó. Song, chuyến công cán của Tổng thống Moon Jae-in đến Mỹ lần này chính là dịp để khẳng định mối quan hệ Washington - Seoul là “nền tảng của an ninh và thịnh vượng đối với vùng Đông Bắc Á và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở”, như lời một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh.
PHÚC NGUYÊN