Ngày 20-5, Israel và lực lượng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas đã thống nhất ngừng bắn, tạm khép lại 11 ngày giao tranh ở Dải Gaza, được xem là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ năm 2014 đến nay.
Người dân Palestine đổ ra đường phố ở thành phố Gaza bày tỏ vui mừng khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, 2 giờ ngày 21-5 (khoảng 6 giờ, giờ Việt Nam), ngay khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, cuộc sống trở lại bình thường ở Dải Gaza. Người dân nơi đây vui mừng đổ ra đường phố reo hò với các màn pháo hoa sáng rực trên bầu trời. 11 ngày giao tranh đã làm hơn 240 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em và 39 phụ nữ, khoảng 1.900 người khác bị thương. Nhiều tòa nhà đã biến thành đống đổ nát, khoảng 120.000 người đã phải sơ tán. Phía Israel có 12 người chết.
Theo Reuters, trong bài phát biểu trước hàng ngàn người ở thành phố Gaza, ông Khalil al-Hayya, nhân vật cấp cao của Hamas, tuyên bố đã thắng Israel. Ông Ezzat El-Reshiq, một quan chức khác của Hamas, nói rằng các điều kiện ngừng bắn của Hamas cũng bao gồm việc bảo vệ đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem, chấm dứt việc trục xuất người Palestine ra khỏi nhà của họ ở đông Jerusalem.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vốn do Ai Cập làm trung gian, phía Mỹ cũng tác động Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giảm căng thẳng. Ông Netanyahu cho biết, Israel đã chấp nhận thỏa thuận vào tối 20-5 nhưng nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, tình hình thực tế sẽ quyết định tương lai của chiến dịch.
Hai phái đoàn của Ai Cập sẽ đến Tel Aviv và lãnh thổ Palestine để giám sát việc triển khai thỏa thuận ngừng bắn cũng như các quy trình duy trì ổn định lâu dài. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến Trung Đông trong những ngày tới để thảo luận về những nỗ lực phục hồi và làm việc cùng nhau, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người Israel và Palestine.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hoan nghênh lệnh ngừng bắn, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cùng tuân thủ thỏa thuận này. Ông cũng thúc giục cộng đồng quốc tế hợp tác với LHQ để tạo ra sự tái thiết và hồi phục nhanh, bền vững, hỗ trợ người dân Palestine và củng cố các thể chế của họ.
Ông Guterres nhấn mạnh, trên cả việc khôi phục sự bình yên, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine còn có trách nhiệm “bắt đầu đối thoại nghiêm túc để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột”, đồng thời xem Gaza là một phần không thể thiếu của nhà nước Palestine trong tương lai, do đó không nên bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào để mang lại “sự hòa giải dân tộc thực sự nhằm chấm dứt chia rẽ”.
Ông Guterres khẳng định cam kết sâu sắc của LHQ trong việc hợp tác với Israel và Palestine cùng các đối tác quốc tế và khu vực để “quay lại con đường đàm phán có ý nghĩa, chấm dứt sự chiếm đóng, hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước trên cơ sở các đường biên giới sau chiến tranh năm 1967, các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung”.
Theo TTXVN, Việt Nam đã hoan nghênh thỏa thuận nói trên, bày tỏ mong muốn thỏa thuận sẽ được thực thi và kéo dài trên thực tế. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, Tổng Thư ký LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ và các thành viên Hội đồng Bảo an trong việc làm giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine.
PHONG LAN