Thế giới tuần qua: Châu Á lao đao trong đại dịch Covid-19; G7 tái xuất giải quyết vấn đề nóng

.

Diễn biến Covid-19 phức tạp tại các quốc gia châu Á và màn tái xuất ngoại giao đầy ấn tượng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là hai sự kiện quốc tế đáng quan tâm trong tuần qua.

Châu Á xuất hiện nhiều điểm nóng Covid-19

Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Kathmandu, Nepal, ngày 3/5. Ảnh: THX/TTXVN
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Kathmandu, Nepal, ngày 3-5. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi Ấn Độ vẫn đang oằn mình trong thảm họa dịch bệnh, làn sóng Covid-19 tiếp tục nhấn chìm nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á với số ca mắc ghi nhận mỗi ngày đạt kỷ lục và là đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Dịch bệnh bùng phát trở lại đã gây sức ép rất lớn lên hệ thống y tế và nguồn cung cấp y tế của các quốc gia này. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 5-5 cảnh báo thế giới cần phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn thảm kịch đang diễn ra trên khắp châu Á.

Trong tuần qua, Ấn Độ lại xác lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong. Ngày 7-5, quốc gia Nam Á này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay là 414.433 ca. Đây cũng là ngày thứ ba trong một tuần qua nước này ghi nhận số ca mắc theo ngày ở mức hơn 400.000 ca.

Không chỉ vậy, ngày 8-5 đánh dấu mốc nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Cụ thể, trong 24 giờ, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 4.187 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do Covid-19 lên 238.270 ca. Theo thống kê của Worldometer, tính đến 17h ngày 8-5, tổng số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã lên gần 21,9 triệu ca.

Tại hai quốc gia láng giếng của Ấn Độ là Sri Lanka và Nepal, dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến xấu hơn.

Sri Lanka chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng kể từ giữa tháng 4 vừa qua với số ca mắc nhanh chóng vượt qua đỉnh dịch hồi tháng 2. Ngày 7-5, đảo quốc Nam Á này ghi nhận 1.895 ca mắc mới - gấp gần 5 lần so với số ca mắc trong ngày hồi đầu tháng 4, nâng tổng số ca mắc toàn quốc trên 121.000 ca.

Giới chức y tế tại đây cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các ca mắc mới tại đảo quốc này là do sự lây lan của biến thể B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tiên tại Anh. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sri Lanka ngày 6-5 đã trở thành quốc gia láng giềng mới nhất đóng cửa biên giới với Ấn Độ, sau Bangladesh và Nepal.

Trong khi đó, Nepal được dự báo có nguy cơ trở thành Ấn Độ thứ hai. Nepal đang có tỷ lệ lây nhiễm mỗi ngày là 20 ca-100.000 dân mỗi ngày - tỷ lệ tương đương Ấn Độ vào hai tuần trước. Theo số liệu của chính phủ do IFRC công bố, cuối tuần trước, 44% các xét nghiệm Covid-19 của Nepal cho kết quả dương tính.

SARS-COV-2 lây lan nhanh chóng làm dấy lên lo ngại rằng Nepal đang đối diện một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Nepal có tỷ lệ bác sĩ trên đầu người và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với Ấn Độ.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân chờ tiêm ngừa Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Campuchia cũng trở thành tâm dịch Covid-19 trong một vài tuần trở lại đây.

Sau khi khống chế thành công làn sóng dịch bệnh thứ hai vào cuối năm ngoái, Thái Lan đang vật lộn với làn sóng thứ ba bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 3 năm nay, với số ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày gia tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Trước khi làn sóng dịch bệnh mới nhất bùng phát, Thái Lan ghi nhận 28.863 ca mắc Covid-19 vào ngày 31-3. Chỉ trong 5 tuần sau đó, con số đó đã tăng hơn gấp đôi, vượt qua ngưỡng 76.000 ca. Tính riêng trong ngày 7-5, Thái Lan đã ghi nhận 1.911 ca mắc mới.

Nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại “xứ sở Chùa vàng” này được cho là xuất phát từ dịch vụ giải trí đêm và lễ hội mừng Năm mới truyền thống Songkran vào giữa tháng 4.

Là một trong những quốc gia có số ca mắc ít nhất thế giới và không ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19 vào hồi tháng 2, Campuchia đang phải hứng chịu thời kỳ đen tối nhất trước làn sóng dịch thứ hai. Với số ca mỗi ngày bất ngờ tăng vọt 3 con số, tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này chỉ từ 500 vào cuối tháng 2 đã lên tới trên 18.000 ca hiện nay, trong đó có 114 trường hợp tử vong.

Ngày 11-4, WHO cảnh báo Campuchia “đứng trên bờ vực thảm kịch quốc gia”. Bất chấp số ca mắc tăng vọt mỗi ngày, các nhà chức trách Campuchia ngày 6-5 đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Báo cáo trong ngày 6-5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới Covid-19.

Covid-19 và Trung Quốc ‘phủ bóng’ hội nghị G7

Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham dự Hội nghị ở London, Anh ngày 5/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham dự Hội nghị ở London, Anh ngày 5-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã được tổ chức trong 3 ngày từ 3 đến 5-5 tại London (Anh), đánh dấu lần họp trực tiếp đầu tiên của nhóm trong 2 năm qua.

Chương trình nghị sự của hội nghị bàn về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Tây Nam nước Anh vào tháng tới. Hội nghị cũng đề cập đến quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng như các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kết thúc cuộc họp trực tiếp ở London ngày 5-5 trong điều kiện giám sát chặt chẽ về y tế, Ngoại trưởng các nước G7 đã ra tuyên bố chung dài 12.400 từ.

Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước G7 khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác trong việc ứng phó về y tế với Covid-19, gồm việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và toàn cầu đối với vaccine, các phương pháp điều trị và chẩn đoán an toàn và hiệu quả; nhấn mạnh rằng tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu này đòi hỏi phải có hành động phối hợp và sự đoàn kết trên toàn thế giới.

Đề cập đến Trung Quốc, tuyên bố chung của các ngoại trưởng chỉ trích Bắc Kinh và tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực tập thể để chặn chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng các nước G7 khẳng định ủng hộ Đài Loan - Trung Quốc tham gia vào các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), đồng thời bày tỏ quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Về phần mình, Trung Quốc đã lên án tuyên bố chung của G7. Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 6-5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi tuyên bố của G7 là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông cho rằng G7 cần có hành động cụ thể để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, thay vì tìm cách làm đứt gãy.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.