Thỏa thuận hạt nhân Iran

Chờ ngoại giao để hồi sinh

.

Mỹ đang thể hiện rõ mong muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 (Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA). Giới quan sát kỳ vọng vào các cuộc đàm phán của những nước trung gian vào đầu tháng 5 này ở Vienna (Áo) sẽ mở đường để cứu vãn JCPOA.

Ông Robert Malley, Đặc phái viên Mỹ về Iran (bìa trái), đến tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo). Ảnh: EPA
Ông Robert Malley, Đặc phái viên Mỹ về Iran (bìa trái), đến tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo). Ảnh: EPA

Theo báo The Independent (Anh), trong nhiều tháng qua, Mỹ vẫn chưa thể hiện rõ nước này sẽ quay trở lại JCPOA bằng cách nào, dỡ bỏ trừng phạt đối với Tehran hay không. Song, tại các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna hồi tuần trước, Mỹ gây bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào không phù hợp với JCPOA hoặc cản trở Iran tuân thủ thỏa thuận, trong đó có các trừng phạt khiến Tehran hạn chế trong việc tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và thực hiện các giao dịch bằng USD.

Báo The Independent dẫn lời một quan chức giấu tên liên quan đàm phán nói rằng, Mỹ đã đưa ra một đề xuất “rất nghiêm túc”. “Tôi nghĩ đề xuất này còn hơn cả những gì mà người Iran mong đợi. Những gì mà người Mỹ đặt trên bàn là sự quay trở lại hoàn toàn với JCPOA. Người Iran đã khá bất ngờ”, vị quan chức này nói.

Vẫn tồn tại nhiều bất đồng

Nhiều cuộc gặp đã diễn ra ở Vienna trong tháng qua để bàn về các bước để cứu vãn JCPOA. Các quan chức tiến hành ngoại giao con thoi, gặp riêng các quan chức Mỹ và Iran; Washington và Tehran không đối thoại trực tiếp. Đàm phán hồi tuần trước được cho là có những tiến triển, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng. Khác biệt lớn nhất chính là Mỹ cần dỡ bỏ biện pháp trừng phạt nào và Iran cần thực hiện bước đi nào để tuân thủ các cam kết của JCPOA. Phía Iran trước đó nhiều lần cho biết sẽ không ngừng các hoạt động hạt nhân theo quy định trong thỏa thuận nếu Mỹ không dỡ bỏ hoàn toàn tất cả lệnh trừng phạt.

Các nhà ngoại giao và giới quan sát nhận định, dù có những bất đồng nhưng sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm và giọng điệu đã xuất hiện tại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phát biểu với đài truyền hình nhà nước Iran ngày 3-5, Trưởng đoàn đàm phán của quốc gia này, ông Abbas Araqchi, cho biết chưa rõ khi nào sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ngày 1-5, ông Mikhail Ulyanov - người đứng đầu phái đoàn Nga tham gia cuộc đàm phán tại Vienna - nhận định còn quá sớm để “hào hứng với thỏa thuận”, nhưng thông báo rằng đàm phán sẽ được nối lại vào ngày 7-5.

“Con đường dài ở phía trước”

Báo The Independent cũng cho rằng, các cuộc đàm phán trong những tuần đầu của tháng 5 sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran sẽ dừng chia sẻ video về các cơ sở hạt nhân tại nước này với thanh sát viên hạt nhân Liên Hợp Quốc nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 21-5. Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này cũng sắp bước vào mùa chia rẽ chính trị khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 18-6 tới.

Thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 có sự tham gia của Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức). Năm 2018, ông Donald Trump lúc làm Tổng thống Mỹ đã rút Washington khỏi JCPOA. Giờ đây, tuy đưa ra những tuyên bố lạc quan nhưng các quan chức Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá về những tiến triển ngoại giao xung quanh JCPOA.

Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với báo giới: “Chúng tôi chưa đạt đến đỉnh cao đột phá nào” và mô tả đó là “con đường dài ở phía trước”.

Thành công của đàm phán ở Vienna trong những ngày tới vẫn để ngỏ. Theo AFP, đương nhiên chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ muốn trở lại JCPOA, mà còn muốn thỏa thuận tiếp theo sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran, giải quyết sự ủng hộ của nước này đối với các nhóm vũ trang ở khu vực. Nhà nghiên cứu về Iran tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Crisis Group), ông Ali Vaez, nhận định: “Đối với chính phủ của Tổng thống Biden, JCPOA là con đường dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân lâu dài và mạnh mẽ hơn”.

Theo báo The Independent, việc trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran là cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cũng nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông. Song, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Iran cũng có thể khơi lên phản ứng từ các chính trị gia Mỹ vốn cảnh giác với các động thái của Tehran, cũng như các đối tác an ninh của Washington ở Trung Đông như Saudi Arabia và Israel.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.