Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh về tài trợ cho các nền kinh tế châu Phi diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 18-5 (giờ địa phương) đã cam kết một “thỏa thuận mới” nhằm hỗ trợ “lục địa đen” vượt qua đại dịch Covid-19.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina (giữa) và Tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara tại hội nghị thượng đỉnh Paris ngày 18-5. Ảnh: Reuters |
“Thỏa thuận mới cho châu Phi và vì châu Phi” dường như là cứu cánh cho các quốc gia châu lục này trong lúc đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin ngừa Covid-19 nghiêm trọng. Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết, hội nghị thượng đỉnh Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì đã thống nhất sử dụng sức mạnh tài chính toàn cầu để hỗ trợ châu Phi và thúc đẩy tiến trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại đây. Mục tiêu của hội nghị là thuyết phục các quốc gia giàu có phân bổ lại 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) đối với những khoản dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có 100 tỷ USD dành cho các nước châu Phi, trước tháng 10 tới.
Theo hãng tin AFP, châu Phi hiện có tổng cộng hơn 4,7 triệu ca nhiễm và gần 128.000 ca tử vong; dẫn đầu là Nam Phi với 1,6 triệu ca nhiễm và 55.300 ca tử vong. Các chuyên gia tin rằng, các con số thực tế còn cao hơn thế. IMF cảnh báo hồi cuối năm 2020 rằng, châu Phi sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính lên đến 290 tỷ USD vào năm 2023, làm suy yếu mọi nỗ lực phát triển.
Trong lúc đó, việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chậm chạp làm dấy lên lo ngại rằng các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở “lục địa đen”, sau đó lây lan rộng khắp thế giới. Giữa tháng 3 vừa qua, 17 quốc gia châu Phi ghi nhận sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở Nam Phi.
Hội nghị thượng đỉnh Paris diễn ra trong lúc có những lo ngại rằng, các nước giàu có trên thế giới đang tung ra các gói phục hồi kinh tế, còn châu Phi bị tụt lại, làm gia tăng sự bất bình đẳng. “Chúng ta không thể bỏ các nền kinh tế châu Phi ở lại phía sau”, tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ.
Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lời Tổng thống Macron cho rằng, việc bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giúp châu Phi có thể tự sản xuất vắc-xin cho riêng mình. Theo ông Macron, tiến độ tiêm vắc-xin chậm chạp là một vấn đề lớn của châu Phi và ông muốn thúc đẩy để từ nay đến cuối năm có 40% dân số châu lục này được tiêm chủng. “Tình hình hiện tại không bền vững, vừa không công bằng, vừa không hiệu quả”, ông Macron nói.
Tổng thống Senegal Macky Sall ca ngợi bước tiếp cận tích cực của thế giới đối với vấn đề bảo đảm công bằng trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Tổng thống Congo Felix Tshisekedi, Chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi (AU), gọi hội nghị thượng đỉnh Paris là “một cơ hội lớn cho châu Phi”. “Đại dịch đã khiến nền kinh tế của chúng tôi trở nên nghèo khó vì chúng tôi phải sử dụng tất cả những phương tiện hiện có, những phương tiện ít ỏi mà chúng tôi có, để chống lại dịch bệnh này”, ông Felix Tshisekedi nói.
Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 dẫn đến nguồn cung cho cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu (mang tên COVAX) của Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác dần cạn kiệt. Vì vậy, các nước châu Phi lâm vào tình trạng thiếu vắc-xin nghiêm trọng. Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi Ahmed Ogwell cho biết, vắc-xin AstraZeneca do Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống lại đại dịch Covid-19 ở “lục địa đen”. Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin thấp.
Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối tháng 6; trong đó có 20 triệu liều của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (J&J) và 60 triệu liều của AstraZeneca. Song, chưa rõ các nước châu Phi có được tiếp nhận hay không.
PHÚC NGUYÊN