Big Tech phải đóng thuế nhiều hơn

.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu, buộc các tập đoàn công nghệ (Big Tech) như Google, Facebook, Apple và Amazon đóng thuế nhiều hơn, đồng thời hạn chế việc chuyển lợi nhuận tới các thiên đường đánh thuế thấp.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak (trái) gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại London. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak (trái) gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại London. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters cho biết, thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 (gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Canada) diễn ra ở thủ đô London của Anh ngày 5-6.

Chấm dứt cuộc đua giảm thuế

Chính phủ Anh gọi đây là “thỏa thuận địa chấn” khi buộc các tập đoàn lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn không chỉ tại nơi các tập đoàn này đặt trụ sở chính, mà còn ở các quốc gia nơi họ kinh doanh. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho các công ty trên thế giới. “Sau nhiều năm thảo luận, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số”, ông Sunak nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có” với việc hướng tới mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt “cuộc chạy đua xuống đáy” về áp thuế doanh nghiệp. Trong một tuyên bố, bà Yellen nêu rõ: “Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” trong thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ cũng như trên thế giới”.

Cuộc đua giảm thuế, thậm chí miễn thuế giữa các quốc gia để thu hút các tập đoàn đã làm xói mòn nguồn thu ngân sách của các chính phủ, trong khi nhiều chính phủ phải vay nợ kỷ lục để ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính Bộ Tài chính Mỹ hôm 20-5 đã đề xuất đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%, giảm so với mức 21% mà cường quốc này đã đưa ra trước đó.

Theo BBC News, thỏa thuận không nêu chính xác những doanh nghiệp nào thuộc phạm vi điều chỉnh, chỉ đề cập “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất”. Song, giới quan sát cho rằng, thỏa thuận nhắm vào những “đại gia” công nghệ như Google, Facebook, Apple và Amazon.

Tạo ra hàng trăm tỷ USD cho các nước chống Covid-19

Hãng tin Reuters dẫn lời cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách các vấn đề toàn cầu nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quan quốc tế diễn ra thành công, nhưng phải thừa nhận điều này đồng nghĩa với việc Facebook sẽ phải đóng nhiều thuế hơn và ở nhiều nơi khác nhau”.

Trong khi đó, phát biểu với CNN, người phát ngôn Google Jose Castaneda bày tỏ ủng hộ việc thay đổi quy định thuế quan quốc tế và hy vọng các nước tiếp tục làm việc cùng nhau để bảo đảm một thỏa thuận cân bằng và bền vững.

Thực tế, các Big Tech khẳng định vẫn tuân thủ các quy tắc về thuế, nhưng họ trả ít thuế ở châu Âu. Các Big Tech thường chuyển kênh bán hàng qua các quốc gia có chế độ thuế doanh nghiệp nhẹ để giảm mức thuế phải đóng.

Cuộc họp của G7 tại London là sự trở lại chủ nghĩa đa phương dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu có thể tạo ra hàng trăm tỷ USD cho các nước để giúp họ ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19. Không những thế, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu còn được xem là nền tảng cho một thỏa thuận rộng hơn tại hội nghị G20 diễn ra vào tháng 7 tới ở thành phố Venice của Ý.

Cách đây vài năm, G20 từng giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nghiên cứu sửa chữa hệ thống thuế quốc tế để vá lỗ hổng đang giúp các Big Tech trả thuế rất bèo bọt ở những nơi được gọi là “thiên đường thuế” và không phải đóng bất cứ đồng thuế nào ở những nước đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ.

Anh kêu gọi G7 đưa ra cam kết tiêm vắc-xin Covid-19 cho thế giới

Hãng tin Reuters cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5-6 một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra cam kết đến cuối năm 2022 sẽ hoàn tất việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho cả thế giới sẽ trở thành một kỳ tích lớn lao nhất trong lịch sử y học. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cùng Anh cam kết chấm dứt đại dịch và không cho phép một đại dịch tương tự xảy ra trong tương lai. Thủ tướng Johnson sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 11-6 đến 13-6 tại khu vực Cornwall, tây nam nước Anh.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.