Chuyến đi hàn gắn quan hệ đồng minh

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt ở Vương quốc Anh vào ngày 10-6, bắt đầu chuyến công du châu Âu 8 ngày với hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh nhằm củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại căn cứ không quân Hoàng gia Anh RAF Mildenhall, nơi có các binh sĩ Mỹ đồn trú ngày 9-6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại căn cứ không quân Hoàng gia Anh RAF Mildenhall, nơi có các binh sĩ Mỹ đồn trú ngày 9-6. Ảnh: Reuters

Hãng tin NBC của Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden mang theo thông điệp “Nước Mỹ trở lại” đến Anh cùng nhiều thiện chí về việc tái xây dựng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.

Tái lập vị thế của Mỹ trên bàn đàm phán

Khi chiếc Không Lực Một (Air Force One) hạ cánh xuống Căn cứ không quân Mildenhall ở Anh, ông Biden nói: “Chúng tôi sẽ chứng minh rằng nước Mỹ đang trở lại và các nền dân chủ thế giới đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất cũng như những vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta”.

Phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy những nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc dùng chuyến công du này để tái lập vị thế của Washington trên bàn đàm phán quốc tế sau 4 năm đầy xáo trộn và rạn nứt các mối quan hệ đồng minh dưới thời ông Donald Trump. 

Tổng thống Biden cũng nói rằng, các vấn đề như phản ứng với đại dịch Covid-19, thương mại và an ninh mạng sẽ là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của G7 (bao gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada cùng Liên minh châu Âu - EU) ở hạt Cornwall. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 sẽ bàn về biến đổi khí hậu, tái thiết hạ tầng ở các nước đang phát triển…

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10-6 được cho là định hình mối quan hệ đồng minh hai nước trong thế kỷ 21. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Johnson nhấn mạnh: “…Hợp tác giữa Anh và Mỹ, đối tác thân thiết nhất và đồng minh lớn nhất, sẽ rất quan trọng đối với tương lai của sự ổn định và thịnh vượng của thế giới”. Ông Johnson muốn “phất cao cờ Anh” và củng cố mối quan hệ để minh chứng cho tầm nhìn “Nước Anh toàn cầu” thời hậu Brexit (Anh rời EU).

Theo báo The Telegraph, hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh chủ trì lần này là phép thử đầu tiên về ý tưởng “Nước Anh toàn cầu” của Thủ tướng Johnson. Các thỏa thuận Mỹ - Anh tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này cũng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, như những gì mà 80 năm trước, ngày 14-8-1941, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã ký kết “Hiến chương Đại Tây Dương” nhằm xác lập trước một trật tự thế giới mới sau Thế chiến thứ hai.

Tâm điểm là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, “mối quan hệ đặc biệt” xuyên Đại Tây Dương được duy trì bởi “ngôn ngữ chung, lợi ích chung, sự hợp tác quân sự và những ảnh hưởng văn hóa”. Những điều này càng được củng cố bởi những mối quan hệ thân thiết cá nhân như giữa cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980, hay giữa cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm những 1990.

Giờ đây, theo báo The Telegragh, Mỹ vẫn đánh giá cao vai trò của Anh là một cường quốc kinh tế và quân sự của châu Âu. Song, Tổng thống Biden đã thể hiện rõ ông có ý định xây dựng lại các mối quan hệ với EU, nghĩa là với cả Brussels, Berlin, Paris, chứ không riêng London.

Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 14 và 15-6, ông Biden sẽ cam kết tuân thủ điều 5 của liên minh quân sự này nhằm ngăn chặn những ai muốn tấn công NATO. Điều 5 quy định nếu một quốc gia thành viên của NATO bị tấn công đồng nghĩa với cả NATO bị tấn công và ông Biden xem điều khoản này là “nghĩa vụ thiêng liêng”.

Chuyến công du của Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc bằng cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6. Đây được xem là sự kiện tâm điểm và là dịp để Tổng thống Mỹ trao đổi trực tiếp với người đồng cấp Nga về những mối lo ngại của Washington, trong đó có vấn đề an ninh mạng.

Với hàng loạt sự kiện trong 8 ngày, Tổng thống Biden sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức để có thể tập hợp lại “một liên minh mới”. Những bất đồng, rạn nứt trong 4 năm trước sẽ không dễ thu hẹp hay xóa bỏ ngay lập tức, nhưng thiện chí mà ông chủ Nhà Trắng trong 3 chặng dừng chân thì rất rõ: “Củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy rõ (quan hệ giữa) Mỹ và châu Âu bền chặt”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.