Covid-19 tới 6 giờ ngày 28-6: Thế giới thêm 5.600 ca tử vong; Biến chủng Delta tràn qua nhiều nước

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 303.226 trường hợp mắc Covid-19 và 5.651 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trên 181,8 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,93 triệu người không qua khỏi.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại London, Anh, ngày 17-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại London, Anh, ngày 17-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 181.845.077 ca, trong đó có 3.938.422 người tử vong.

Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Trong mấy ngày gần đây, biến chủng Delta đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng Covid-19 mới.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 166.326.796 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.579.859 ca và 80.459 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 27-6, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Ấ, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Dù dịch bệnh đã thuyên giảm nhiều, song quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.494.286 ca mắc và 619.434 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Chính do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ấn Độ hiện là quốc gia hứng chịu thảm họa Covid-19 nghiêm trọng thứ hai thế giới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27-6 kêu gọi người dân khắc phục tâm lý ngần ngại và đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại khi nhiều bang đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng cho 940 triệu người trưởng thành tại nước này trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế và nỗi lo về làn sóng dịch thứ ba. Trong bài phát biểu hàng tháng trên đài phát thanh, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân “Hãy tiêm vaccine” cũng như tuân thủ quy định về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Ông nhấn mạnh: “Đó (vaccine) là tấm khiên an toàn tốt. Hãy suy nghĩ về điều đó”.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần tiêm 10 triệu mũi vaccine một ngày để đạt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho tất cả dân số trưởng thành trước tháng 12. Tuy nhiên, hiện mới chưa tới 6% số người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 614 ca mắc mới, trong đó có 570 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên 600 ca. Trong vài tháng qua, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 300 đến 700 ca và không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy chiều hướng dịch bệnh giảm do nhiều ổ dịch nhỏ lẻ vẫn bùng phát trên cả nước.

Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới của đất nước với các quy định mới về giãn cách xã hội từ ngày 1-7, theo đó nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động tập trung đông người và cho phép tăng thời gian hoạt động của mọi loại hình dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Tại châu Đại Dương, bang New South Wales của Australia thông báo ghi nhận 30 ca mắc mới trong bối cảnh thành phố Sydney và các khu vực lân cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần nhằm ứng phó với ổ dịch liên quan đến biến thể Delta. Đến nay, tổng số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch nói trên đã lên tới 110 ca và hiện còn 2 ca đang chờ kết quả xét nghiệm.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Sydney, Australia, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Sydney, Australia, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước tình hình trên, nước láng giềng New Zealand thông báo  duy trì mức cảnh báo dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại thủ đô Wellington thêm 2 ngày - đến ngày 29-6, do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh từ một du khách Australia có kết quả dương tính với virus sau khi tới thăm thành phố này vào cuối tuần trước.

Với mức cảnh báo hiện hành, người dân thành phố Wellington vẫn phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, trong khi các văn phòng, trường học và công ty kinh doanh vẫn được mở cửa. New Zealand cũng đã quyết định ngừng áp dụng miễn cách ly đối với người nhập cảnh từ Australia trong 3 ngày, bắt đầu từ 26-6.

Tại Iran, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 26-6 thông báo công ty dược phẩm Actoverco của Iran đã sản xuất một lô thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V do Nga phát triển.

RDIF cho biết Iran là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đồng thời nhấn mạnh sự kiện này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng mà không làm tăng chi phí hậu cần. Iran đã phê duyệt vaccine Sputnik V để sử dụng trong nước vào tháng 1-2021.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, thủ đô Moskva (Nga) ghi nhận 144 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất ghi nhận được tại một thành phố của Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong trên toàn nước Nga là 133.282 ca, với 599 ca mới ghi nhận. Số ca nhiễm mới trong ngày 27-6 là 20.538 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 5,4 triệu ca.

Moskva hiện là tâm dịch tại Nga, với  khoảng 2.000 người nhập viện mỗi ngày do Covid-19. Thành phố đã huy động 20.000 giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19, đến nay 14.000 giường đã kín bệnh nhân. Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin, khẳng định biện pháp duy nhất hiện nay để ngăn dịch lây lan là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quy mô lớn.

Tính đến ngày 26-6, tại Nga mới có 21,2 triệu người trong tổng số khoảng 146 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-6 đã chỉ thị chính phủ hoàn tất kế hoạch tổ chức tiêm vaccine có thu phí dành cho người nước ngoài tại Nga trước ngày 30-6. Đối với người nước ngoài tới Nga vì mục đích làm việc, Tổng thống Putin yêu cầu báo cáo về kế hoạch tiêm chủng trước ngày 15-7.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Anh, chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng Covid-19 đã làm suy yếu mối liên hệ giữa tình trạng lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Đây là đánh giá mới được lãnh đạo cơ quan cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh đưa ra ngày 27-6.

Phát biểu trên đài BBC, ông Peter Horby, Chủ tịch Ủy ban cố vấn về các nguy cơ từ virus gây bệnh hô hấp (NERVTAG) của Chính phủ Anh, đánh giá số ca nhập viện điều trị vì mắc Covid-19 tại Anh hiện nay đã giảm nhiều. Trả lời câu hỏi rằng có đủ dữ liệu để khẳng định việc tiêm phòng đã giúp "bẻ gãy" mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm virus và tình trạng bệnh nặng, tử vong hay không, ông Horby cho rằng việc tiêm phòng chắc chắn đã làm suy yếu mối liên hệ này.

Chủ tịch NERVTAG nhấn mạnh rõ ràng tỷ lệ mắc mới đang tăng nhưng số ca nhập viện điều trị lại ở mức thấp hơn rất nhiều, phản ánh mối liên hệ trên đã thực sự bị suy yếu đáng kể. Dù coi đây là một tín hiệu tuyệt vời nhưng ông Horby vẫn thận trọng cho biết mối liên hệ đó chưa bị bẻ gãy hoàn toàn.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Viêng Chăn, Lào, ngày 17-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Viêng Chăn, Lào, ngày 17-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27-6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 38.858 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 92.340 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong ngày thứ 6 liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong và mắc bệnh mới trong ngày 27-6 đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 27-6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua tới 804 ca bệnh Covid-19 mới ghi nhận và 7 ca tử vong.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 27-6 ghi nhận thêm trên 3.995 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 42 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 839 bệnh nhân mới và 17 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Nhân viên y tế chuẩn bị bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 25-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuẩn bị bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 25-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 92.341 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 664 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.781.939 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.294.436 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh.

Trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới.

Tại Nam Phi, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội với trung bình hơn 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 27-6 đã quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4 – dưới cấp độ cao nhất 1 bâc – với việc thắt chặt các quy định để đề phòng sự lây nhiễm trong vòng 14 ngày tới.

Trong bài phát biểu trước toàn dân được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh các biện pháp ngăn chặn lây lan đang áp dụng hiện tại không đủ để kiềm chế sự gia tăng các ca bệnh hàng ngày, nhất là khi số lượng ca bệnh do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được xác định đầu tiên ở Ấn Độ, gây ra đang hoành hành tại đây.

Đây là lần thứ 3 trong vòng gần 1 tháng qua, chính phủ Nam Phi đã phải nâng mức phong tỏa toàn quốc vì dịch bệnh Covid-19. Trước đó ngày 30-5, Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 trước nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Đến 15-6, lại một lần nữa, chính phủ phải ra quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 vì số ca mắc Covid-19 tăng nhanh chóng.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.