Hàng loạt rào cản trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn hiển hiện trước thềm vòng đàm phán thứ 6 giữa Tehran và các cường quốc. Điều đó cho thấy, việc các bên liên quan trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này là một chặng đường dài.
Các quan chức đến tham dự một vòng đàm phán gián tiếp về thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna (Áo). Ảnh: THX |
Vòng đàm phán gián tiếp thứ 6 dự kiến được nối lại ở Vienna (Áo) vào ngày 10 hoặc 11-6. Năm vòng đàm phán trước đó giữa Iran và các cường quốc đã không mang lại kết quả nào ngoài việc các bên tham gia đàm phán xác định họ cần về nước để tham vấn thêm.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Enrique Mora, Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) điều phối các cuộc đàm phán ở Vienna lạc quan cho rằng, các bên sẽ đạt được một thỏa thuận tại vòng đàm phán thứ 6. Tuy nhiên, ngày 8-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố dù Iran và Mỹ quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vốn được Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng Washington vẫn duy trì hàng trăm lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. “Nếu các lệnh trừng phạt không trái với JCPOA thì chúng sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Iran thay đổi hành xử”, ông Blinken nói.
Năm 2018, ông Donald Trump lúc làm Tổng thống Mỹ đã rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran. Tehran phản ứng bằng việc dần hủy bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Người kế nhiệm ông Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định muốn khôi phục những giới hạn hạt nhân trong thỏa thuận và nếu có thể thì mở rộng hơn. Trong khi đó, Iran muốn được dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt và không mở rộng các điều khoản.
Qua 5 vòng đàm phán gián tiếp, đến nay Mỹ vẫn chưa chắc chắn Iran thực sự muốn trở lại tuân thủ JCPOA hay không, còn Tehran cũng hoài nghi việc Washington có sẵn sàng hủy bỏ chính sách gây sức ép lên nước Cộng hòa Hồi giáo này hay không.
Trước đó, chính Ngoại trưởng Antony Blinken đã phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ rằng: “Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc đối thoại gián tiếp trong vài tháng qua. Chúng tôi vẫn chưa rõ Iran có sẵn sàng và thực hiện những gì nước này cần làm để trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không”. Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif nhấn mạnh, Tehran vẫn tuân thủ JCPOA, đồng thời dẫn một điều khoản trong thỏa thuận nêu rõ một bên sẽ từ bỏ cam kết của mình nếu bên kia không tuân thủ thỏa thuận.
Theo Reuters, một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây bày tỏ hy vọng vòng đàm phán thứ 6 sẽ dẫn đến một thỏa thuận. Song, chính nhà ngoại giao này không chắc chắn về khả năng đạt được thỏa thuận khi vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết.
Về phía Iran, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân, ông Abbas Araqchi, cho rằng các rào cản trong việc khôi phục JCPOA quá phức tạp nhưng không phải là không thể vượt qua. “Các khác biệt đã lên đến mức mọi người đều tin rằng không thể giải quyết được”, ông Araqchi nhận định.
Một quan chức khác của Iran lại nói: “Mọi việc phụ thuộc vào Washington. Nếu phía Mỹ chấp nhận dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt, Iran sẽ trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận”.
Khi Mỹ không biết liệu việc tuân thủ của Iran có thực sự diễn ra hay không và Tehran chưa rõ Washington có sẵn sàng hủy bỏ chính sách “gây sức ép tối đa” của cựu Tổng thống Donald Trump hay không, thì đàm phán ở Vienna vào ngày 10 hoặc 11-6 “sẽ chưa phải là vòng cuối cùng” - như nhận định của ông Ali Vaez, nhà phân tích về Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Và nếu bất đồng được giải quyết thì vẫn cần các cuộc đàm phán sau đó về các hành động của bên này để đổi lấy các bước đi “có qua có lại” của bên kia.
PHÚC NGUYÊN