Các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho thế giới, một nửa trong số này do Mỹ cung cấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Khách sạn Vịnh Carbis, Cornwall, Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images |
Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, vắc-xin ngừa Covid-19 là một trong những chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 ở Vịnh Carbis, Cornwall (Anh), theo AP.
“Chúng tôi làm điều này để cứu con người”
Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, các nhà lãnh đạo G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) sẽ cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vắc-xin cho thế giới, trong đó Mỹ đóng góp 500 triệu liều và Anh góp 100 triệu liều.
Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Chúng tôi sẽ giúp thế giới thoát khỏi đại dịch bằng việc phối hợp với các đối tác toàn cầu”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng chính thức tuyên bố Washington sẽ mua 500 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer để gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp và Liên minh châu Phi (AU).
“Mỹ cung cấp 500 triệu liều vắc-xin mà không kèm bất kỳ ràng buộc nào. Việc quyên góp vắc-xin của chúng tôi không có áp lực ủng hộ hay sự nhượng bộ. Chúng tôi làm điều này để cứu con người”, ông Biden nhấn mạnh.
Đây là khoản tài trợ vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay của một quốc gia và Mỹ sẽ phải tiêu tốn 3,5 tỷ USD. Cam kết này của Washington thôi thúc các nước khác tài trợ vắc-xin cho thế giới, gia tăng mức độ “phủ sóng” vắc-xin để chống lại đại dịch vốn đã làm tổng cộng 175,6 triệu người nhiễm và gần 4 triệu người tử vong, tính đến ngày 11-6, theo trang thống kê worldometers.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho hay, Anh cam kết đóng góp 100 triệu liều vắc-xin; trong đó 5 triệu liều đầu tiên sẽ được chia sẻ trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm 2021 và phần còn lại được hoàn tất vào năm 2022. Khoảng 80% trong số vắc-xin nay sẽ chuyển đến chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các đối tác khởi xướng.
“Tại hội nghị thượng đỉnh G7, tôi hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ có những cam kết tương tự để chúng ta có thể cùng nhau tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm tới và đưa mọi hoạt động trở lại sau Covid-19”, AP dẫn lời ông Johnson nói.
Mỹ là “kho vắc-xin”
G7 đối mặt với áp lực phải có kế hoạch chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19, nhất là khi tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin thể hiện rõ. WHO đã cảnh báo tình trạng “phân biệt chủng tộc về vắc-xin” và nhiều lần kêu gọi các nước giàu chia sẻ vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Thế giới hiện có 2,2 tỷ người đã được tiêm ngừa trong số tổng cộng 8 tỷ dân, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Mỹ đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số, Liên minh châu Âu (EU) tiêm chủng xong hơn 40% dân số, nhưng chỉ 2% người dân châu Phi và 6% người dân châu Á đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Ở Mỹ có một kho dự trữ vắc-xin lớn và nhu cầu tiêm của người dân nước này giảm mạnh trong những tuần gần đây. Chính Tổng thống Biden đã phát biểu tại Cornwall rằng, Mỹ sẽ là “kho vắc-xin” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19.
Trong lúc đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh cam kết của Mỹ và nói rằng châu Âu nên hành động tương tự. Ông Macron cho hay, Pháp sẽ chia sẻ ít nhất 30 triệu liều vắc-xin cho toàn cầu vào cuối năm nay.
Theo AFP, G7 thống nhất rằng, một cách tiếp cận chung là cơ hội tốt nhất của thế giới trong việc phục hồi từ khủng hoảng y tế toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nhà hoạt động của tổ chức Oxfam cho rằng, việc G7 cam kết tài trợ 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 và 2022, trong đó có 500 triệu liều của Mỹ, là quá ít và quá muộn để chấm dứt đại dịch.
Oxfam dẫn chứng thế giới cần đến 11 tỷ liều vắc-xin. Báo Wall Street Journal cũng phân tích, trong gần 6 tháng đầu năm 2021, thế giới ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong do Covid-19, vượt quá tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020 và điều này cho thấy đại dịch chưa thể kết thúc.
Ngày 11-6, hãng tin AP dẫn lời Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 7 để bàn về đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế. Bà Merkel sẽ có chuyến công du Mỹ vào ngày 15-7. |
BÌNH YÊN