Bằng việc đóng góp hàng trăm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo và cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) muốn chứng minh họ có thể hành động để ứng phó với các cuộc khủng hoảng lớn.
Một công dân Honduras được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson tại sân bay quốc tế Miami, Mỹ. Ảnh: AP |
Hãng tin Reuters cho biết, hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp ở hạt Cornwall (Vương quốc Anh) từ ngày 11-6 đến 13-6, với sự tham dự của Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson cùng các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu (EU).
Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dùng hội nghị này để khẳng định chính sách ngoại giao đa phương của ông. Tổng thống Biden cam kết xây dựng mối quan hệ với các đồng minh sau 4 năm có nhiều xáo trộn dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump - người đã rút Mỹ khỏi một số thể chế đa phương và thậm chí từng dọa rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vì vậy, lần nhóm họp thượng đỉnh này sẽ là phép thử đối với chủ trương “nước Mỹ trở lại” của ông Biden.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, việc những người đồng cấp G7 của bà đạt thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu, buộc các tập đoàn đa quốc gia phải đóng thuế nhiều hơn, đồng thời hạn chế việc chuyển lợi nhuận tới các thiên đường đánh thuế thấp, phản ánh nhóm các nước giàu có này mong muốn làm việc cùng nhau. “Điều đó cho thấy sự hợp tác đa phương có thể thành công”, Reuters dẫn lời bà Yellen nói.
Cũng theo Reuters, G7 đang đối mặt với nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ có số ca nhiễm và số ca tử vong lớn nhất thế giới với các con số lần lượt là 34,2 triệu ca và 612.300 ca. Châu Âu cũng phải xoay xở với các làn sóng dịch làm hơn 46,9 triệu người nhiễm và hơn 1 triệu người tử vong, theo trang thống kê worldometers.
Tại Mỹ, từ thông điệp của Tổng thống Biden “lấy vắc-xin làm chìa khóa để mở cửa nền kinh tế”, các nhà chức trách thúc đẩy tiêm chủng quyết liệt cho hơn 50% dân số, hướng đến hoàn thành việc tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin cho 70% dân số trưởng thành vào ngày 4-7 tới. Nhiều bang đang nới lỏng giãn cách xã hội và dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế. Kết thúc quý 1-2021, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại châu Âu, một số nước như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Áo, Đan Mạch… mở cửa dần trở lại nền kinh tế nhờ nỗ lực tiêm chủng và sự sụt giảm số ca nhiễm Covid-19 mới.
Ngày 6-6, 100 cựu lãnh đạo thế giới gửi thư kêu gọi G7 hỗ trợ tài chính đối với chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo. Bức thư cho rằng, các nhà lãnh đạo G7 cùng lãnh đạo các quốc gia khác được mời dự hội nghị thượng đỉnh ở Anh cần bảo đảm thống nhất về khoản tiền hỗ trợ lên tới khoảng 30 tỷ USD trong hơn 2 năm tới nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn thế giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, việc tiêm vắc-xin cho thế giới vào cuối năm 2022 sẽ là kỳ tích trong lịch sử y học.
Ngoài ra, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G7 còn bàn thảo về biến đổi khí hậu. Yahoo!Finance dẫn thông tin từ tổ chức Oxfam cho biết, đến năm 2050, các nền kinh tế G7 có thể thiệt hại GDP trung bình 8,5%/năm nếu không hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, gấp đôi mức thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các quốc gia chung tay hành động, thực hiện nhiều biện pháp triệt để hơn nữa để bảo vệ khí hậu. Bà cho rằng, năm 2021 là năm quan trọng đối với việc bảo vệ khí hậu, đồng thời bày tỏ tin tưởng hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới vào cuối năm nay ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) có thể đạt được những kết quả cụ thể.
PHÚC NGUYÊN