Hiệp ước Bầu trời mở vắng Mỹ và Nga

.

Lúc ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Ngày 28-5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với Nga rằng Washington giờ đây không có ý định tái gia nhập OST.

OST được ký kết vào năm 1992, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002. OST cho phép 35 quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau, có quyền tiến hành các chuyến bay không vũ trang qua vùng trời của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Tiêu chí chủ đạo của OST là tạo dựng lòng tin và hiểu biết giữa các nước thành viên, thông qua việc cùng tiến hành các chuyến bay do thám trên vùng trời của các nước khác. Mục đích chính của văn kiện này là theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu) và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau. Kể từ khi OST có hiệu lực, hơn 1.500 chuyến bay đã được thực hiện theo tinh thần của hiệp ước này.

Mặc dù đã gia nhập lại nhiều hiệp định quốc tế mà người tiền nhiệm Donald Trump rời bỏ, nhưng Tổng thống Joe Biden quyết định không trở lại OST và động thái này của ông được cho là để thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nga. Với quyết định của Tổng thống Mỹ không trở lại OST, về mặt an ninh, kể từ nay chỉ có Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) là hiệp ước lớn duy nhất còn có hiệu lực giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Giới chức Nga bày tỏ thất vọng về việc Mỹ không trở lại OST. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, quyết định của Mỹ không tạo bầu không khí có lợi cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào tháng 6 này.

Trước đó, Nga cho hay sẽ cẩn trọng theo dõi những tuyên bố và hành động của các bên tham gia OST, đánh giá lợi ích an ninh của Moscow và các đồng minh để đưa ra những quyết định tương xứng. Đến tháng 1-2021, Moscow thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi OST, viện dẫn lý do “thiếu tiến bộ” trong việc duy trì hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này. Ngày 19-5 vừa qua, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí thông qua đạo luật rút khỏi OST. Ngày 2-6, với 152 phiếu thuận, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng thông qua luật rút khỏi OST.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi OST chẳng khác nào “đòn giáng mạnh” xuống các nước đồng minh chủ chốt ở châu Âu. Sự ra đi của Mỹ lại được cho là không tác động nhiều tới Nga bởi Moscow dường như đang quan tâm việc giám sát không phận ở các nước châu Âu hơn là ở Mỹ. Nhưng việc Nga cũng tuyên bố sẽ rời khỏi OST làm châu Âu lo ngại hơn cả, nhất là trong bối cảnh ngày càng gia tăng căng thẳng giữa Nga với Ukraine, các nước vùng Baltic và Đông Âu.

Các nhà quan sát nhận định, việc Mỹ chính thức không tham gia OST sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ trang. Tháng 8-2019, Mỹ từng rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chỉ vài ngày sau đó, cường quốc này thử các loại vũ khí từng bị cấm trong hiệp ước. Thực tế, từ khi ông Barack Obama làm Tổng thống, Mỹ đã ấp ủ kế hoạch chi hàng nghìn tỷ USD cho thế hệ vũ khí hạt nhân mới trong 20 năm tới.

Dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra trong những ngày tới để tìm kiếm sự ổn định an ninh toàn cầu, nhưng việc cả hai cường quốc hạt nhân cùng tuyên bố sẽ khép lại OST cho thấy việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường trên thế giới ngày càng gay go, phức tạp bội phần.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.