Ngày 10-6, hãng thông tấn NPR dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, số lao động trẻ em trên toàn thế giới năm 2020 lần đầu tiên tăng trong 2 thế kỷ. Tình trạng này có thể sẽ trầm trọng hơn trong năm 2022 với thêm 9 triệu trẻ em trở thành lao động khi Covid-19 làm tổn hại các nền kinh tế và buộc trường học phải đóng cửa.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2020, thế giới có khoảng 160 triệu trẻ em (hơn một nửa thuộc độ tuổi 5-11) tham gia vào lực lượng lao động, tăng 8,4 triệu so với năm 2016. Tình trạng lao động trẻ em ở châu Á, Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean tiếp tục được cải thiện nhờ tăng đầu tư giáo dục và các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, các tiến triển ở vùng châu Phi hạ Sahara vẫn còn rất khó nhận thấy bởi đói nghèo, HIV/AIDS và xung đột trong khu vực. Vùng châu Phi hạ Sahara có số lao động trẻ em nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới cộng lại, với 86,6 triệu trẻ từ 5-17 tuổi phải tham gia lao động. Con số này ở châu Âu và Bắc Mỹ chỉ khoảng 3,8 triệu.
Báo cáo cho thấy, phần lớn lao động trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp (khoảng 70%), 20% làm việc trong ngành dịch vụ (giao thông, giúp việc nhà…), hơn 10% làm việc trong ngành công nghiệp (khai thác mỏ, xây dựng, sản xuất…). Đặc biệt, trẻ em nông thôn có nguy cơ trở thành lao động cao gấp 3 lần so với trẻ em thành phố. Ở độ tuổi 15-17, trẻ em trai có nguy cơ trở thành lao động cao gấp đôi so với trẻ em gái.
Cũng theo báo cáo, đến cuối năm 2022 ước tính sẽ có thêm 9 triệu trẻ em trở thành lao động do đại dịch và con số này có thể tăng lên đến 46 triệu nếu trẻ không được tiếp cận những dịch vụ xã hội thiết yếu.
KHANG NINH