Thượng đỉnh Mỹ - Nga có hóa giải bất đồng?

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định sẽ gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6. Một câu hỏi lớn được chờ đợi là liệu Mỹ và Nga có hóa giải được những bất đồng để cài đặt lại quan hệ giữa hai bên hay không?

Quan hệ Mỹ - Nga xuống cấp vì đâu?

Một là, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên bang Nga thừa kế phần lớn di sản thời Liên Xô cũ nhưng không còn là cường quốc đối trọng với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, ngoại trừ vấn đề hạt nhân. Nhưng từ những năm 2000, nhất là khi ông Putin lãnh đạo nước Nga, thông qua một loạt sáng kiến, Moscow không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại “không gian hậu Xô Viết” qua các sự kiện: xung đột Nga - Georgia (2008), khủng hoảng Ukraine (2014), gần đây nhất là khủng hoảng chính trị tại Belarus…

Không những vậy, Nga còn mở rộng tầm ảnh hưởng tại nhiều địa bàn xa xôi khác, nhất là cuộc chiến chống khủng bố ở Syria với tư cách là cường quốc có trách nhiệm. Nga cũng đã chia rẽ thành công quan hệ giữa Mỹ với nhiều đối tác truyền thống, ví dụ điển hình là quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ với vụ bán hệ thống tên lửa S-400. Mặt khác, với tiềm năng dầu khí, Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu về mặt hàng này cho nhiều nước châu Âu…

Hai là, Nga bị cáo buộc can dự trực tiếp vào chuyện nội bộ của Mỹ, ví dụ điển hình là cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay cuộc tấn công mạng SolarWinds. Vụ việc đã gây chia rẽ sâu sắc trên chính trường nước Mỹ khi đảng Dân chủ chỉ trích lập trường không rõ ràng của đảng Cộng hòa đối với Nga. Vì thế, thời ông Donald Trump làm Tổng thống, quan hệ Mỹ - Nga đi xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1980.

Ba là, Nga bị Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc vi phạm nhân quyền, tiến hành các hoạt động tình báo và gây ra các vụ “đầu độc” các cựu điệp viên, nhà doanh nghiệp chạy trốn khỏi nước Nga, gần đây là vụ bắt giữ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny…

Bốn là, Nga bị cáo buộc vi phạm các hiệp ước về kiểm soát vũ khí tầm trung, vũ khí hạt nhân… Vì thế, Mỹ đã hủy nhiều hiệp ước quan trọng với Nga.

Những nhân tố đó được coi là nguyên nhân chủ yếu để Mỹ và các đồng minh tiến hành hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, thậm chí đóng băng nhiều thỏa thuận vốn được coi là cốt lõi cho an ninh toàn cầu.

Điều đáng chú ý khác là trong hơn 10 năm qua, cứ mỗi lần bên này hoặc bên kia phát đi tín hiệu “phá băng quan hệ song phương” thì ngay sau đó lại có “biến cố” làm tan biến mọi hy vọng.

Khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào đầu năm 2021, ông Joe Biden xem mối quan hệ với Nga là vấn đề ưu tiên. Dù còn nhiều vấn đề gai góc nhưng hai bên vẫn khởi động tiến trình cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Geneva.

Thực tế cho thấy, khi trở thành tổng thống, ông Joe Biden là người có quan điểm cứng rắn nhất đối với Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi củng cố hơn nữa vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại sườn phía đông và nhất là mối quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương. Mới đây. Nhà Trắng chính thức tuyên bố không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở - chìa khóa quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí chiến lược và các lực lượng vũ trang của các bên liên quan.

Trong khi đó, Reuters cho hay, thượng đỉnh Mỹ - Nga không hề là một “phần thưởng” đối với Tổng thống Putin, mà là một phương thức hiệu quả hơn để kiểm soát quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn. Nhà Trắng cho biết không chờ đợi sự đột phá quan trọng tại thượng đỉnh này.

Về phía Nga, trả lời Reuters, nhiều quan chức cao cấp nước này cho biết, họ xem thượng đỉnh Mỹ - Nga là cơ hội để trực tiếp biết quan điểm của Tổng thống Mỹ. Chính quyền Nga đặc biệt bất bình với các lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra hồi tháng trước nhằm trả đũa các hành động “can thiệp vào bầu cử Mỹ” trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1-6 cũng tuyên bố trước báo giới rằng “chớ có ảo tưởng và không nên tạo cảm giác sẽ có một cú đột phá, sẽ có những quyết định lịch sử đi đến những thay đổi cơ bản”.

Vì thế, chưa có điều gì chắc chắn để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga sắp tới sẽ “phá băng quan hệ” giữa hai nước, mối quan hệ đang ở mức thấp nhất, thậm chí còn tệ hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây - như lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.