Tiêm chủng - "lá chắn" giúp vượt qua Covid-19

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tăng tốc chương trình tiêm chủng toàn cầu bởi “tỷ lệ tiêm chủng cao là con đường giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19”.

Người dân ở thành phố Goyang (Hàn Quốc) chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. 					Ảnh: Bloomberg
Người dân ở thành phố Goyang (Hàn Quốc) chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin AP dẫn lời ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 7-6 rằng, tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 80% sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ các ca nhiễm trong cộng đồng kéo theo các ca thứ cấp hoặc gây ra cụm dịch, ổ dịch. Theo đó, các nước cần bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng, nhất là trong lúc có nhiều biến thể lây truyền hơn.

Song, ông Ryan thừa nhận chưa có số liệu rõ ràng về tỷ lệ tiêm chủng cần thiết để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm. Dẫu vậy, vị quan chức của WHO cho rằng, việc giữ lây nhiễm ở mức thấp, hoặc bằng không sẽ đòi hỏi quy trình giám sát ở cấp độ cao nhưng giải pháp cuối cùng vẫn là vắc-xin, bởi tỷ lệ tiêm chủng cao là con đường đưa các nước thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Thực tế, theo AP, nhiều nước giàu có đang mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho thanh niên và trẻ em, những người có nguy cơ nhiễm thấp hơn người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay, khoảng 49,3% người dân từ 12 tuổi trở lên ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy tiến độ tiêm chủng để đạt mục tiêu 70% dân số Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin trước ngày 4-7.

Ở châu Âu, Đức đã công bố kế hoạch tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ ngày 7-6. Tây Ban Nha có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi khoảng 2 tuần trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9. Ý - quốc gia châu Âu đầu tiên đối mặt với đại dịch vào đầu năm 2020 - cũng triển khai chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân trên 12 tuổi. Hiện Ý đã tiêm hơn 35 triệu liều vắc-xin cho người dân; khoảng 12,4 triệu người (gần 23% dân số) đã được tiêm đủ hai liều.

Tại châu Á, hãng tin AFP cho hay, Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin tại nơi làm việc và các trường đại học vào ngày 21-6 nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Hàn Quốc đã tiêm cho 7,1 triệu người, tương đương 13,8% dân số được tiêm ít nhất một liều kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Xứ sở kim chi đặt mục tiêu tiêm cho hơn 70% dân số vào tháng 9 và đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Trong lúc đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ cơ chế COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu. Ông Tedros hy vọng G7 có thể giúp đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 10% dân số ở tất cả các nước trên thế giới trước thời điểm cuối tháng 9, và khoảng 30% vào cuối năm nay.

“Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần thêm 250 triệu liều vắc-xin trước tháng 9, trong đó hàng trăm triệu liều trong tháng 6 và tháng 7. Tôi kêu gọi G7 không chỉ cam kết chia sẻ mà còn cam kết chia sẻ ngay trong tháng 6 và tháng 7”, ông Tedros phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Cornwall (Vương quốc Anh), với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ và Canada.

Thông tin từ Reuters cho hay, WHO đang đàm phán với nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về vấn đề quyên góp tài chính và vắc-xin ngừa Covid-19 cho COVAX.

Ông Tedros từng gọi quá trình phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 là “sự bất công” khi 10 nước giàu có sở hữu 2/3 lượng vắc-xin trên toàn thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, đến cuối tháng 7, Washington sẽ hoàn tất việc chia sẻ 80 triệu liều vắc-xin cho thế giới thông qua COVAX hoặc theo hình thức trực tiếp, làm dấy lên hy vọng gia tăng mức độ bao phủ vắc-xin, tạo ra “lá chắn” để vượt qua đại dịch. 

Tỷ lệ tiêm chủng cao là con đường giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19”

Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.