Quốc tế

Afghanistan đối mặt với thách thức cam go

09:23, 27/07/2021 (GMT+7)

Càng gần đến ngày Mỹ và đồng minh hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, quốc gia Nam Á này càng đối mặt với những cảnh báo về một tương lai bất ổn trước mối đe dọa từ Taliban.

Các binh sĩ Mỹ này được trở về nhà vào năm ngoái sau 9 tháng đồn trú ở Afghanistan. 						               Ảnh: Getty Images
Các binh sĩ Mỹ này được trở về nhà vào năm ngoái sau 9 tháng đồn trú ở Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Báo The Guardian cho biết, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện rõ quan điểm sẽ đưa binh sĩ đang đồn trú ở Afghanistan về nước vào cuối tháng 8. Song, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie ngày 25-7 cho biết Washington tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm hỗ trợ quân đội Afghanistan trong những tuần tới nếu Taliban tấn công.

“Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng Afghanistan trong vài ngày qua và chúng tôi tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ này trong những tuần tới nếu Taliban tiếp tục các cuộc tấn công”, ông McKenzie nói. Thế nhưng, lãnh đạo CENTCOM không hề nói rõ Mỹ có tiếp tục thực hiện các cuộc không kích sau khi kết thúc sứ mệnh quân sự vào ngày 31-8 hay không.

Cũng theo báo The Guardian, Mỹ đã nêu mục tiêu của các hoạt động trong tương lai là ngăn Afghanistan trở thành căn cứ và bệ phóng để Al-Qaeda thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Mục tiêu này từng được chính phủ Mỹ thời ông G.W. Bush làm Tổng thống đặt ra năm 2001. Trải qua 20 năm chiến tranh, Afghanistan vẫn chứng kiến sự hiện diện của Al-Qaeda, cùng với mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vì vậy, Tướng McKenzie cho rằng, Afghanistan sẽ phải đối mặt với thử thách cam go và lực lượng Taliban - vốn đang chiếm phần lớn lãnh thổ - “tìm cách tạo cảm giác chiến dịch của họ sẽ giành thắng lợi hoàn toàn”.

Trước đó, Tướng Mark Milley- Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng, cán cân chiến lược dường như đang nghiêng về phía Taliban khi lực lượng này kiểm soát hơn 200/419 trung tâm huyện lỵ của Afghanistan. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng từng bày tỏ lo ngại nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, các nhóm cực đoan như Al-Qaeda có thể trỗi dậy mạnh mẽ. Hồi tháng 1-2021, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo cho thấy, có tới 500 chiến binh Al-Qaeda tại Afghanistan và Taliban vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Al-Qaeda.

Đến nay, phần lớn lực lượng Mỹ, trừ các binh sĩ bảo vệ Đại sứ quán và sân bay ở thủ đô Kabul, đã rút khỏi Afghanistan. Song, điều đáng nói là kể từ tháng 5-2021, trong lúc Mỹ chuẩn bị hoàn tất tiến trình rút quân, nhiều vụ tấn công đã xảy ra ở quốc gia Nam Á này mà Taliban bị cáo buộc là thủ phạm. Theo BBC, chính phủ Afghanistan ngày 24-7 áp đặt lệnh giới nghiêm trong 1 tháng tại hầu hết các vùng trên cả nước, từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, nhằm ngăn chặn làn sóng tấn công của Taliban.

Có những quan ngại rằng, Taliban có thể giành quyền kiểm soát Afghanistan trong vòng 6 tháng sau khi lực lượng Mỹ rời đi. Trong lúc đó, đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban diễn ra chậm chạp, chưa đạt được tiến triển.

Việc thừa nhận tính hợp pháp chính trị của Taliban chưa chắc mở đường cho cuộc đối thoại nội bộ ở Afghanistan để đạt được “một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện”, như kỳ vọng của Washington. Bằng chứng là Liên Hợp Quốc ngày 26-7 đưa ra cảnh báo: Afghanistan có thể chứng kiến số lượng dân thường thiệt mạng ở mức cao nhất trong một thập niên nếu không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Taliban.

1.659 là số dân thường thiệt mạng trong 6 tháng đầu năm 2021 ở Afghanistan, theo báo cáo của Phái bộ Hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại quốc gia Nam Á này công bố ngày 26-7. Ngoài ra, còn có hơn 3.200 người khác bị thương. Số thương vong tăng vọt trong tháng 5 và tháng 6 - giai đoạn Taliban liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công ở Afghanistan, với 783 người chết và hơn 1.600 người khác bị thương. (Theo AP)

PHÚC NGUYÊN

.