APEC tìm giải pháp phục hồi sau đại dịch

.

Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 16-7 nhằm thảo luận cách thức ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 và tìm giải pháp hỗ trợ các nền kinh tế phục hồi.

Nhật Bản áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 ở thủ đô Tokyo trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo và kéo dài đến ngày 22-8 nhằm hạn chế số ca nhiễm biến thể Delta.      Ảnh: AP
Nhật Bản áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 ở thủ đô Tokyo trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo và kéo dài đến ngày 22-8 nhằm hạn chế số ca nhiễm biến thể Delta. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, cuộc họp do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chủ trì, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Nga Vladimir Putin...

Mỹ hỗ trợ để ứng phó với Covid-19

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Jacinda Ardern trước thềm cuộc họp, Tổng thống Joe Biden nói rằng, ông muốn chia sẻ với các nhà lãnh đạo APEC về những gì nước Mỹ đang thực hiện nhằm hỗ trợ khu vực ứng phó đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng muốn bàn về mối quan tâm của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho hay, lần đầu tiên tham dự sự kiện với nhiều nhà lãnh đạo APEC, Tổng thống Biden nhắc đến những nỗ lực của Washington trong việc trở thành “một kho vắc-xin của thế giới” và cách thức các thành viên của khối có thể hợp tác để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Theo AP, Mỹ đã hỗ trợ 4,5 triệu liều vắc-xin cho Indonesia, 2 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam, 1 triệu liều vắc-xin cho Malaysia và 3,2 triệu liều vắc-xin sẽ sớm được đưa đến Philippines. Các khoản viện trợ cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Papua New Guinea cũng sẽ sớm được thực hiện.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, cuộc họp quan trọng của APEC diễn ra trong lúc cả thế giới đối mặt với số ca mắc Covid-19 đang gia tăng và sự hợp tác quốc tế để chống lại đại dịch bước vào một giai đoạn mới. “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể duy trì tầm nhìn về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương với một tương lai chung, thực hiện quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương, gửi thông điệp tích cực về việc chống Covid-19 với tình đoàn kết cũng như thúc đẩy hợp tác và phục hồi kinh tế”, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.

Về phía Nhật Bản, theo Chánh văn phòng nội các Kato Katsunobu, Thủ tướng Suga đề cập quyết tâm của ông bảo đảm Olympic Tokyo an toàn khi sự kiện này diễn ra từ ngày 23-7. Ông Suga cũng nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản trong việc bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin công bằng của tất cả các nước và khu vực nhằm ủng hộ những nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19. Thông điệp của ông Suga mang đến cuộc họp lần này là tầm nhìn của Tokyo về việc mở rộng một khối kinh tế tự do và công bằng.

Tìm phản ứng chung

Báo chí New Zealand cho hay, một nội dung quan trọng của cuộc họp là cải thiện hợp tác về vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó có việc đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin để khống chế các biến thể của SARS-CoV-2. Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Ardern nói rằng, cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC lần này “phản ánh mong muốn của chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch và khủng hoảng kinh tế”. Theo bà, trong năm 2020, các nền kinh tế APEC đang chịu thiệt hại nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, với 81 triệu người mất việc làm. “Phản ứng chung là rất quan trọng để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của khu vực”, bà Ardern nói.

New Zealand là một trong số nước thành công nhất trong việc kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của New Zealand vẫn chậm hơn so với các nước phát triển nhất. Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng của quốc đảo ở nam Thái Bình Dương này kêu gọi tăng cường nguồn lực cho cơ chế COVAX - sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác khởi xướng, bởi kinh tế thế giới chỉ có thể hồi phục đầy đủ khi người dân của tất cả các nước được tiêm chủng và dịch bệnh được khống chế. Hồi đầu tháng 6, các bộ trưởng thương mại thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch, bắt đầu bằng việc tăng tốc phân phối vắc-xin.

Tính đến nay, theo AP, APEC có tổng cộng 50 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. GDP của toàn khối giảm 1,9% trong năm 2020 do tác động của đại dịch.

Mỹ coi trọng mối quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương 

Theo AP, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ những ngày đầu đã coi trọng mối quan hệ với các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những hành động ngoại giao cấp cao đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống là tổ chức hội nghị trực tuyến với nhóm “Bộ Tứ châu Á” (Quad) gồm: Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tạo ra sự đối trọng về kinh tế và quân sự với Trung Quốc.

Ông Biden cũng đã tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Nhà Trắng. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc đều là các nền kinh tế thành viên của APEC. Trong “Bộ Tứ châu Á”, chỉ Ấn Độ không phải là thành viên APEC.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.