Các chính phủ trên khắp thế giới tiếp tục chống lại sự lây lan của biến thể Delta. Trong khi đó, Trung Quốc chạy đua để ứng phó với ổ dịch mới tại thành phố Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô.
Chính quyền Nam Kinh tiến hành xét nghiệm cho hơn 9 triệu dân. Ảnh: Tân Hoa xã |
Báo South China Morning Post dẫn một nghiên cứu mới của Trung Quốc cho biết, biến thể Delta của SARS-CoV-2 lây lan mạnh mẽ, khiến người nhiễm chủng này có khả năng phát tán lượng virus nhiều gấp 1.260 lần so với chủng gốc. Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12-2020, đến nay đã xuất hiện ở 124 quốc gia/vùng lãnh thổ và được xem là biến thể dễ lây lan nhất của SARS-CoV-2.
Mỹ có hơn 87.000 ca nhiễm mới
Tính đến ngày 30-7, thế giới ghi nhận hơn 197,5 triệu ca nhiễm và 4,2 triệu ca tử vong do Covid-19, theo trang thống kê worldometers. Riêng trong ngày 30-7, cả thế giới có hơn 654.500 ca nhiễm mới.
Mỹ hiện vẫn dẫn đầu với hơn 35,5 triệu ca nhiễm và 628.000 ca tử vong. Ngày 29-7, Mỹ có hơn 87.000 ca nhiễm mới - mức kỷ lục trong một ngày trên thế giới, trong lúc tốc độ tiêm chủng ở cường quốc này đang chậm lại. Đến nay, 49,4% dân số Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19. Mỗi ngày có gần 390.000 người tiêm chủng, thấp hơn mức hàng triệu người/ngày hồi đầu năm nay.
Giới chức y tế Mỹ lo ngại biến thể Delta và cho rằng những người đã tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn có thể lây truyền biến thể Delta với cùng tỷ lệ như người chưa tiêm phòng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ còn cho hay, các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cũng có nguy cơ chuyển bệnh nặng.
Theo AP, đa số các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ hiện nay đều nằm trong nhóm người chưa tiêm vắc-xin, nhưng CDC Mỹ ước tính mỗi tuần có khoảng 35.000 người/162 triệu người dân nước này đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin có thể nhiễm virus. Các trường hợp này được gọi là “các ca nhiễm đột phá” (breakthrough infection), nhưng chỉ số ít bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Joe Biden ngày 29-7 (giờ Washington) yêu cầu nhân viên liên bang Mỹ phải chứng minh đã tiêm vắc-xin, nếu không thì sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt như đeo khẩu trang khi làm việc, phải xét nghiệm sàng lọc hằng tuần hoặc 2 tuần/lần, đồng thời tuân thủ các quy định hạn chế đi lại.
Trung Quốc khẩn cấp dập dịch
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp báo ngày 30-7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Nam Kinh (thuộc tỉnh Giang Tô) cho biết, thành phố này hiện có hơn 100 ca nhiễm kể từ ngày 20-7 đến nay. Nguồn lây dẫn tới ổ dịch tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu thuộc thành phố Nam Kinh là chuyến bay CA910 từ Nga. Ổ dịch hiện lan ra 15 thành phố khác của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Đây là đợt bùng phát nội địa rộng nhất sau đợt dịch ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi đầu năm ngoái.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng, đợt bùng phát mới có liên quan đến biến thể Delta. “Sự gia tăng đột biến các ca mắc mới trong thời gian gần đây có thể liên quan đến vị trí đặc biệt và tính chất dễ lây lan của biến thể Delta”, ông Ding Jie - Phó Giám đốc CDC Nam Kinh nói.
Chính quyền Nam Kinh tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ hơn 9 triệu dân. Một phòng thí nghiệm có tên “Hỏa nhãn” (Mắt lửa) đã được dựng lên tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ở thành phố Nam Kinh, với khả năng xét nghiệm 2 triệu người/ngày bằng phương pháp gộp mẫu “10 trong 1”. Các biện pháp nghiêm ngặt khác cũng được áp dụng như: đóng cửa các quán cà phê, phòng gym, quán karaoke; kêu gọi người dân hạn chế đi lại, không ra khỏi thành phố, không tụ tập đông người…
Hầu hết các ca nhiễm mới ở Nam Kinh đã được tiêm vắc-xin nên có những nghi ngại về hiệu quả của vắc-xin. Song, chuyên gia Zhuang Shilihe tại Quảng Đông phát biểu với tờ Global Times rằng, các nghiên cứu trước đó đã chứng minh vắc-xin là phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ bệnh trở nặng.
Đến nay, Trung Quốc đã tiêm khoảng 1,5 tỷ liều vắc xin cho người dân và đều là vắc-xin nội địa. Chính phủ Trung Quốc đang chạy đua để tiêm chủng cho ít nhất 65% dân số trong tổng cộng 1,5 tỷ dân vào cuối năm nay.
Ngày 29-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, biến thể Delta đang xuất hiện ở 15/22 quốc gia/vùng lãnh thổ ở Đông Địa Trung Hải, khiến số ca nhiễm tăng vọt, gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại đây. Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc WHO khu vực Đông Địa Trung Hải Ahmed al-Mandhari cho biết, hầu hết các ca nhiễm và nhập viện mới là những người chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. WHO đưa ra con số cụ thể để thấy tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực nói trên rất thấp: Tính đến tuần cuối của tháng 7, chỉ 41 triệu người (5,5% dân số tại Đông Địa Trung Hải) đã được tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19. |
BÌNH YÊN