Quốc tế

Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq

09:52, 24/07/2021 (GMT+7)

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi tại Nhà Trắng vào ngày 26-7 sẽ đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Washington ở quốc gia Trung Đông này.

Binh lính Mỹ tham dự lễ chuyển giao một căn cứ quân sự ở phía bắc thủ đô Baghdad cho lực lượng Iraq ngày 23-4-2020. 					Ảnh: Reuters
Binh lính Mỹ tham dự lễ chuyển giao một căn cứ quân sự ở phía bắc thủ đô Baghdad cho lực lượng Iraq ngày 23-4-2020. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi, các quan chức cấp cao Baghdad đã có mặt ở Washington vào ngày 22 và 23-7 để đàm phán sơ bộ về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ an ninh song phương Mỹ - Iraq, cũng như quan hệ hợp tác an ninh lâu dài giữa hai nước và các lĩnh vực hợp tác khác ngoài chống khủng bố. Các nhà quan sát cho rằng, việc lãnh đạo và giới chức Baghdad liên tiếp sang Mỹ minh chứng cường quốc hàng đầu thế giới sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch rút các binh lính còn lại về nước vào cuối năm nay, một sự đổi thay trong chiến lược của Mỹ đối với sự hiện diện ở Iraq - nơi Washington đã triển khai quân đội suốt 18 năm qua.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ ngày 22-7 cho biết, Washington sẽ kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq nhưng vẫn duy trì sứ mệnh huấn luyện, cố vấn, hỗ trợ về hậu cần để giúp Baghdad chống khủng bố. Hiện có gần 2.500 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq với nhiệm vụ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trang Politico cho hay, trả lời phỏng vấn trước đó, Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi nói rằng, Iraq không còn cần lực lượng chiến đấu của Mỹ nữa. “Người Iraq hiện sẵn sàng đứng trên đôi chân của mình và bảo vệ mình. Chúng tôi không còn cần quân chiến đấu của Mỹ”, ông Kadhemi phát biểu với báo Washington Post. Song, nhà lãnh đạo này khẳng định vẫn tiếp tục cần sự ủng hộ về tình báo, huấn luyện và cố vấn.

Bước tiếp cận của chính phủ Tổng thống Joe Biden đối với cuộc xung đột ở Iraq khác với ở Afghanistan - nơi Mỹ sắp kết thúc cuộc chiến tranh dài nhất. Tại Iraq, các quan chức Mỹ và quốc gia vùng Vịnh này đang tìm kiếm mối quan hệ quân sự lâu dài. Còn tại Afghanistan, tất cả binh sĩ Mỹ sẽ rời đi vào ngày 31-8, chỉ để lại 600 người làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh cho Đại sứ quán Mỹ và sân bay Kabul.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã huấn luyện cho hàng trăm ngàn người Iraq. Các quan chức Mỹ nói rằng, lực lượng đặc biệt của Iraq là một trong những lực lượng có năng lực và được thử nghiệm nhiều nhất ở khu vực, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại IS vào năm 2019. Trong khi đó, ở Afghanistan thì khác, Taliban đã duy trì lực lượng ổn định suốt nhiều năm. Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban năm 2020, việc Washington rút quân khỏi quốc gia Nam Á này là không thể khác.

Quân đội Mỹ từng rút khỏi Iraq năm 2011. Đến năm 2014, Mỹ trở lại trong liên quân đa quốc gia do Washington dẫn đầu nhằm đánh bại IS, lực lượng lúc đó đã chiếm 1/3 lãnh thổ của Iraq. Từ hè năm 2020, quân đội Mỹ đã dần chuyển sang vai trò cố vấn cho chính phủ Baghdad. Tháng 4-2021, hai chính phủ thống nhất kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ và ra tuyên bố chung nhấn mạnh năng lực đang gia tăng của quân đội Iraq.

Giới quan sát lo ngại về khoảng trống kiểm soát tại Iraq sẽ tạo cơ hội để tổ chức khủng bố trỗi dậy, nhất là IS, và việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq không cho thấy tình hình ổn định tại quốc gia Trung Đông này. Hồi đầu tháng 7, sân bay Erbil ở khu vực người Kurd tại phía bắc Iraq bị tấn công tên lửa.

Tháng 6, nhà máy điện Salah al-Din ở thành phố Samarra cũng bị trúng tên lửa; một sĩ quan tình báo cao cấp của Iraq Nebras Abu Ali bị bắn chết tại phía đông Baghdad... Mới đây nhất, vụ tấn công khủng bố bằng thiết bị nổ tự chế xảy ra ở chợ Woheilat thuộc thành phố Sadr, phía đông Baghdad, làm ít nhất 18 người chết và nhiều người khác bị thương, mà IS đã thừa nhận là thủ phạm.

PHÚC NGUYÊN

.