Châu Âu "khép cửa" với người không tiêm vắc-xin

.

Trong lúc số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng cùng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, nhiều nước châu Âu siết chặt hạn chế đi lại và sử dụng dịch vụ đối với những người chưa tiêm chủng.

Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern, trung tâm thủ đô London (Anh). 				                     Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern, trung tâm thủ đô London (Anh). Ảnh: AFP/Getty Images

Tính đến ngày 1-8, châu Âu có hơn 51,4 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Trong ngày 1-8, Nga ghi nhận thêm 22.800 ca nhiễm. Ý có hơn 6.500 ca nhiễm mới trong ngày 31-7. Đức có 1.800 ca nhiễm mới, con số này ở Pháp là 23.400 ca và ở Anh lên đến 26.000 ca.

Báo Wall Street Journal cho biết, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang sử dụng giấy chứng nhận điện tử/thẻ sức khỏe để phân biệt những người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và những người chưa tiêm. Giấy chứng nhận này cho phép người sở hữu (những người đã được tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2) được đến một số địa điểm công cộng.

Mỗi nước có cách gọi khác nhau đối với giấy chứng nhận nói trên, chẳng hạn Ý gọi đây là thẻ xanh, Pháp gọi là giấy chứng nhận y tế, một số nước gọi đây là hộ chiếu sức khỏe/thẻ xanh kỹ thuật số. Quy định này đã được Hungary và Đan Mạch áp dụng từ mùa xuân. Áo áp dụng từ đầu tháng 7. Tuần này, người dân Pháp bắt đầu sử dụng thẻ sức khỏe và Ý sẽ triển khai từ ngày 6-8.

Theo AFP, từ tuần này, muốn tham gia hầu hết mọi hoạt động xã hội, người dân Pháp phải trình thẻ sức khỏe. Kể từ cuối tháng 9, chính phủ Pháp sẽ ngừng chi trả cho các xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh, nghĩa là người dân ngay bây giờ phải tiêm chủng, hoặc tự chi trả cho các xét nghiệm để được quyền tham gia các hoạt động xã hội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, mục đích chính của những biện pháp này là tạo ra hạn chế với người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Tại Đức, người có giấy chứng nhận điện tử/thẻ sức khỏe có thể đến khách sạn, nhà thi đấu thể thao, rạp phim. Ở Thụy Sĩ, giấy chứng nhận điện tử/thẻ sức khỏe chỉ bắt buộc trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như tham gia các sự kiện có hơn 1.000 người hoặc đến các địa điểm có không gian hẹp.

Đối với Ý, mặc dù số ca nhiễm giảm nhiều, nhưng chính phủ rất thận trọng trong việc vừa ngăn làn sóng lây nhiễm mới, vừa thúc giục người dân tiêm vắc-xin. Giáo sư y tế cộng đồng Walter Ricciardi, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Ý lý giải: “Chúng tôi không bắt buộc mọi người tiêm chủng, nhưng những người không tiêm sẽ có ít cơ hội hơn”.

Trong khi đó, với số ca nhiễm vẫn tăng cao, Nga bắt buộc các nhân viên ngành dịch vụ phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Những người không tiêm có thể phải nghỉ không lương.

Hãng tin Reuters cho hay, hiện có 33 quốc gia thành viên EU và ngoài EU áp dụng giấy chứng nhận điện tử/thẻ sức khỏe. Giải pháp này được cho là hiệu quả giữa lúc tốc độ tiêm chủng ở châu Âu chững lại và các nước đều chật vật để duy trì tốc độ tiêm chủng. Giới chức châu Âu đặt mục tiêu tiêm vắc-xin cho 70% dân số vào mùa hè này.

Mỹ: Người đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên đeo khẩu trang

Hãng tin CNN cho biết, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn cần đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín.

Khuyến cáo này dựa trên một nghiên cứu được công bố hôm 31-7, theo đó lý giải rằng biến thể Delta của SARS-CoV-2 sản sinh lượng virus như nhau ở những người đã tiêm và những người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Nếu một người đã tiêm vắc-xin mà vẫn nhiễm virus, nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như những người chưa tiêm vắc-xin. “Cách đây 2 tháng, chỉ 1% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ do biến thể Delta, giờ đây con số này lên đến hơn 80%”, bà Karine Jean-Pierre, Trợ lý Thư ký báo chí Nhà Trắng nói.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.