Những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong chưa đầy 24 giờ qua, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani quyết định rời đất nước và chính quyền chuyển tiếp tạm thời nắm quyền…, vốn là “kịch bản” đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều nó đến sớm hơn so với tính toán.
Lực lượng Taliban tại thủ phủ Mehtarlam, tỉnh Laghman, Afghanistan ngày 15-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Sức kháng cự yếu ớt của lực lượng an ninh Afghanistan đã không thể mang lại sức nặng cho đề xuất chia sẻ quyền lực muộn màng mà chính quyền Kabul đưa ra. Lực lượng Taliban đã tấn công và lần lượt giành quyền kiểm soát nhiều thành phố, thị trấn ở Afghanistan, bất chấp Mỹ và các nước cảnh báo sẽ không công nhận một chính quyền Taliban lên nắm quyền bằng vũ lực. Cuộc xung đột tại Afghanistan gần như đã đi đến hồi kết trong một tiến trình không thể đảo ngược, sẽ đưa Taliban trở lại quyền lực sau 20 năm.
Cán cân sức mạnh trên chiến trường Afghanistan đã thay đổi nhanh chóng từ tháng 5 vừa qua khi các lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút quân. Một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 2-2020 về việc Washington rút quân khỏi Afghanistan phần nào giúp “hợp pháp hóa” các tay súng Taliban và thúc đẩy vị thế của phong trào Hồi giáo này trong một xã hội có tính bộ lạc và phân tầng sâu sắc. Chưa khi nào trong các cuộc đàm phán với Taliban, Mỹ có thể đạt được nhượng bộ từ nhóm này về một giải pháp chính trị ở Afghanistan. Trọng tâm đàm phán của Mỹ là rút các lực lượng một cách êm thấm và Taliban đã không nhắm mục tiêu vào người Mỹ ngay cả khi các tay súng này tiếp tục chiến dịch tấn công tại Afghanistan.
Mặt khác, việc Mỹ rút quân đã khiến Chính phủ Afghanistan, vốn bị chia rẽ nội bộ và thiếu sự ủng hộ ở các vùng nông thôn, mất đi lợi thế quan trọng nhất trong cuộc chiến, đó là sự hỗ trợ trên không. Trước sự tấn công dồn dập ở khắp các thành phố bị vây hãm trong nhiều tuần, hệ thống phòng thủ của Afghanistan sụp đổ như một “lâu đài cát” khi Taliban gia tăng sức ép.
Một yếu tố nữa là chính là sự bất ổn và mâu thuẫn nội bộ của Afghanistan, khi nước này đã không có một chính phủ tập quyền mạnh trong một thời gian dài. Trong nỗ lực củng cố quân đội quốc gia, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani lâu nay đã tìm cách “phớt lờ” các thủ lĩnh sắc tộc. Điều đó khiến sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái ở Afghanistan ngày càng sâu sắc. Đến khi lực lượng quốc gia không thể bảo vệ các thành phố, ông Ghani quay sang cầu viện thủ lĩnh các sắc tộc, nhưng điều đó là quá muộn bởi các tay súng Taliban đã áp sát Kabul. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phong trào Taliban rơi vào bế tắc.
Tổng thống Ghani đã rời khỏi đất nước, để lại đằng sau những hỗn loạn và lo âu, cùng tương lai bất định cho mảnh đất từng bị coi là “cái nôi của khủng bố”. Không khó để hình dung những hệ quả khôn lường mà cục diện của cuộc xung đột sẽ gây ra cho cả khu vực và xa hơn thế.
Cũng giống như những năm 90 của thế kỷ trước, Taliban hứa hẹn mang đến ổn định và an ninh. Trong tuyên bố phát đi rạng sáng 16-8 (giờ Việt Nam), người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban - ông Mohammad Naeem - khẳng định rằng phong trào này không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong thông điệp mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một “hệ thống Hồi giáo thuần túy” ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền.
Từ những phát ngôn của thủ lĩnh Akhundzada và các chiến dịch quân sự, có thể thấy Taliban rõ ràng muốn đặt toàn bộ Afghanistan dưới sự cai trị của phong trào Hồi giáo cực đoan này. Điều đó làm dấy lên lo ngại dân số gần 40 triệu người của Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo. Nhiều người lo ngại Taliban sẽ áp đặt chế độ Hồi giáo hà khắc, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số, trong khi hạn chế hoạt động của báo chí… ở Afghanistan.
Một hệ lụy nữa được nhắc tới là nguy cơ truyền bá các tư tưởng thánh chiến bạo lực cực đoan. Khi Kabul thất thủ, mục tiêu ban đầu của Taliban thiết lập một “Vương quốc Hồi giáo” ở Afghanistan sắp trở thành hiện thực. Giới chuyên gia nhận định trường hợp của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sau khi Mosul (Iraq) thất thủ có thể lặp lại. “Vương quốc Hồi giáo” này có thể trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng thánh chiến bạo lực, dẫn đến gia tăng hoạt động tuyển mộ vào các nhóm cực đoan như Al-Qaeda và cuộc thánh chiến này có lẽ sẽ không chỉ giới hạn trong biên giới địa lý của Afghanistan.
Bình luận về tác động của các diễn biến tại Afghanistan đối với tình hình khu vực, Giáo sư Sreeram Sundar Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Jindal, Đại học Toàn cầu Jindal, bang Haryana, Ấn Độ, nhận định khu vực này luôn bị ảnh hưởng bất cứ khi nào có bất ổn hoặc có một nhà nước yếu kém và dễ sụp đổ ở Afghanistan. Vì vậy, nơi đây luôn có xu hướng lan truyền chủ nghĩa cực đoan thánh chiến.
Trên thực tế, khi Taliban cầm quyền giai đoạn 1996-2001, một số vụ tấn công thánh chiến đã được lên kế hoạch từ Afghanistan, trong đó có vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ hay vụ không tặc chuyến bay IC814 của hãng hàng không Ấn Độ Indian Airlines ngày 24-12-1999. Có rất nhiều nhóm khủng bố hoạt động trong khu vực, tại Uzbekistan, Tajikistan, Pakistan, Ấn Độ, Iran… đã từng ẩn náu ở Afghanistan hoặc được một số nhóm bên trong Afghanistan hậu thuẫn. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, IS và các nhóm khủng bố lớn toàn cầu đều đang lợi dụng Afghanistan như một nơi trú ẩn an toàn.
Do đó, tình hình hiện nay tại Afghanistan khi Taliban sắp lên nắm quyền đang khiến an ninh của tất cả các quốc gia láng giềng bị đe dọa. Đây chính là lý do tại sao việc đảm bảo một Afghanistan ổn định và không xảy ra bất trắc là một vấn đề an ninh quốc gia đối với các nước ở cả trong và bên ngoài khu vực.
Trong những phản ứng đầu tiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã yêu cầu Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan. Thông cáo của LHQ dẫn lời Tổng Thư ký Guterres bày tỏ “đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái”, đồng thời yêu cầu phải bảo vệ “các quyền lợi khó khăn lắm mới giành được” của những người này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh sự cần thiết tránh các cuộc tàn sát tại Afghanistan. Phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nói: "Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành về một hệ thống chuyển giao chính quyền và chúng tôi sẽ phản ứng theo kết quả của cuộc chuyển giao".
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định sẽ hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay, điều mà tổ chức này khẳng định là "cấp bách hơn bao giờ hết".
Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Taliban. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Tehran sẵn sàng “tiếp tục thực hiện những nỗ lực kiến tạo hòa bình".
Về phần Mỹ, khi Washington đã rút gần hết các lực lượng đồn trú tại Afghanistan, sẽ rất khó để chính quyền của Tổng thống Joe Biden duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với các diễn biến trên thực địa ở Afghanistan cũng như quá trình thành lập chính phủ do Taliban đứng đầu.
Do đó, trong thời gian tới, nhiều khả năng các nước trong khu vực và các nước láng giềng của Afghanistan sẽ tăng cường những nỗ lực can dự và đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề Afghanistan, trong khi Mỹ sẽ vẫn cố gắng duy trì một vai trò chống khủng bố nào đó thông qua các cuộc tấn công trên không từ bên ngoài Afghanistan. Hiện Washington đang tìm kiếm các căn cứ phù hợp ở các quốc gia láng giềng mà từ đó Mỹ vẫn có thể thực hiện những chiến dịch mà họ gọi là “từ bên ngoài lãnh thổ”, mặc dù điều đó cũng chưa chắc chắn.
Có thể thấy trước rằng tương lai chính trị của Afghanistan dường như không mấy tươi sáng. Nhiều khả năng nước này sẽ bị phân quyền, rời rạc và là một nhà nước yếu kém. Vấn đề lớn hơn là chiến tranh đã tàn phá tất cả cơ sở hạ tầng của Afghanistan và nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất, tình trạng tham nhũng tràn lan với năng lực quản trị yếu kém, trong khi an ninh bất ổn luôn là thách thức.
Để khắc phục tất cả những điều này, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên ở Afghanistan, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực. Cuộc xung đột ở Afghanistan tiềm ẩn nhiều nguy cơ sâu rộng toàn cầu, nên việc giải quyết không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào, dù là Iran, Nga, Qatar hay Mỹ. Tất cả đều phải nỗ lực để góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới.
Theo TTXVN