Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên (AUKUS) giữa Mỹ, Anh, Úc làm mối quan hệ giữa Pháp với Washington và Canberra rạn nứt chưa từng có, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ cục diện địa chính trị.
Tàu ngầm HMAS Collins của Úc. Ảnh: New York Times |
Ngày 19-9, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng, ông không lấy làm tiếc về quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp, chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh. Hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu chính phủ Úc lý giải, Canberra lựa chọn như vậy là vì lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cũng khẳng định: Canberra đã thẳng thắn, cởi mở và trung thực với Paris về những lo ngại đối với thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trước khi hủy bỏ hợp đồng. Ông Dutton cho rằng, chi phí cho thỏa thuận đã vượt quá ngân sách và tiến độ cũng chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch. “Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó là những gì chúng tôi đã làm”, Reuters dẫn lời ông Dutton nói.
Tuy nhiên, những lý giải trên không xoa dịu được phản ứng tức giận của Pháp. Ngày 18-9, Pháp triệu hồi các đại sứ từ Canberra và Washington về nước để tham vấn, đồng thời cáo buộc các đồng minh “nói dối” về kế hoạch của họ. Chính phủ Pháp cũng hủy bỏ tiệc chiêu đãi sắp tới tại Đại sứ quán Pháp ở Washington.
Các nhà ngoại giao Pháp cay đắng gọi việc Mỹ, Anh và Úc bắt tay nhau là “cú đâm sau lưng”. “Có sự giả dối, phá vỡ lòng tin và coi thường. Điều này sẽ không mang đến lợi ích gì cả”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trên kênh truyền hình France 2. Paris có thể sẽ yêu cầu Canberra bồi thường hợp đồng, nhưng hiện chưa rõ mức bồi thường bao nhiêu.
Theo cơ chế AUKUS, Úc sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân với sự hỗ trợ công nghệ từ Mỹ và Anh. Như vậy, Úc không chọn thỏa thuận mua 12 tàu ngầm chạy bằng điện - diesel của Pháp, mà chuyển hướng tiến thẳng lên tàu ngầm hạt nhân.
Pháp là đồng minh lâu đời của Mỹ và là đồng minh tự nhiên với Úc khi có hai lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Thái Bình Dương. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, Pháp tức giận là đương nhiên. Quyết định bất ngờ của Úc không chỉ làm Pháp mất hợp đồng lớn, mà còn làm giảm vị thế về mặt chiến lược của “ông lớn châu Âu” này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một điều khiến Pháp thất vọng là nước này không được đồng minh Mỹ báo trước. Hơn thế nữa, AUKUS vô hình trung thiết lập một trật tự an ninh mới của châu Âu, gắn Mỹ vào an ninh của “lục địa già”, trong lúc vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị cho là giảm sút.
NATO đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh giữa Pháp với Mỹ và Úc về hợp đồng nói trên. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer cho rằng, vụ việc này không có khả năng ảnh hưởng đến hợp tác quân sự trong khối.
Song, theo báo The Independent, đối với người Pháp, cú bắt tay của Mỹ - Anh và Úc dẫn đến việc mất hoàn toàn lòng tin với các đồng minh, đồng thời đặt ra dấu hỏi về mục đích của NATO khi Washington rõ ràng đang đẩy các đồng minh trong khối ra xa. Trước đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoài nghi về vai trò của khối quân sự này với phát biểu gây nhiều tranh cãi rằng NATO đã “chết não”. Sắp tới, biết đâu Paris sẽ có động thái nào đó mạnh mẽ hơn?
Thời gian gần đây, Mỹ chú trọng phát triển “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Việc Washington tạo liên minh mới với London và Canberra được cho là đi theo cơ chế “tiểu đa phương” như vậy, tức từng nhóm nhỏ quốc gia hợp tác, và trong hai liên minh này không có sự can dự của Paris. Một vấn đề khác được đặt ra, theo hãng tin AP, Reuters và báo New York Times, AUKUS không chỉ đơn thuần là hợp tác để chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Úc, để Canberra trở thành cường quốc có năng lực hơn trong thế kỷ 21, mà còn nhằm đối phó Trung Quốc. Vì vậy, Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên này sẽ còn phát sinh nhiều rối rắm.
VĨNH AN