Nước Đức trước ngày tổng tuyển cử

.

Ngày 26-9, khoảng 60,4 triệu cử tri Đức bỏ phiếu bầu Quốc hội mới. Cuộc bầu cử sẽ quyết định ai là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel sau khi bà rời cương vị đã nắm giữ suốt 16 năm qua.

Từ phải qua: Các ứng cử viên của các đảng sẽ tham gia cuộc tranh cử ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ mới: Ông Armin Laschet của đảng CDU, bà Annalena Baerbock của đảng Xanh và ông Olaf Scholz của đảng SPD. Ảnh: Spiegel
Từ phải qua: Các ứng cử viên của các đảng sẽ tham gia cuộc tranh cử ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ mới: Ông Armin Laschet của đảng CDU, bà Annalena Baerbock của đảng Xanh và ông Olaf Scholz của đảng SPD. Ảnh: Spiegel

Cuộc bỏ phiếu sẽ bầu Hạ viện mới (tiếng Đức là Bundestag) và cơ quan này sẽ lựa chọn người là tân thủ tướng của Đức. Bundestag có nhiệm kỳ 4 năm. Mặc dù có tới 47 đảng cùng tranh cử, nhưng rất ít đảng có thể đáp ứng tiêu chuẩn giành được ít nhất 5% số phiếu để có thể vào Quốc hội. Nhóm chính trị lớn nhất trong Quốc hội chuẩn bị mãn nhiệm là liên minh trung hữu gồm đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Nhóm chính trị lớn thứ hai là Đảng trung tả Dân chủ Xã hội.

Sẽ có nhiều hơn 700 nghị sĩ?

Đặc thù của hệ thống bầu cử Đức sẽ tạo ra các chính phủ do liên minh cầm quyền. Các kết quả khảo sát dư luận cho thấy hiện chưa có đảng nào nhận được sự ủng hộ đủ lớn để giành thế đa số và đơn phương thành lập chính phủ mới. Đức cũng không có truyền thống thành lập các chính phủ thiểu số.

Theo đài DW (Đức), có ít nhất 598 nghị sĩ tại Bundestag nên việc phân chia số ghế giữa các đảng sẽ được quyết định bằng cuộc bỏ phiếu lần hai. Chẳng hạn, nếu một đảng có 30% số phiếu thì sẽ giành được ít nhất 30% số ghế tại Bundestag.

Do các đặc thù của hệ thống bầu cử, số nghị sĩ tại Bundestag bao giờ cũng nhiều hơn 598. Chẳng hạn, năm 2017, Bundestag có 709 thành viên Quốc hội. Trong cuộc bầu cử lần này, trang Euronews dự đoán số ghế nghị sĩ thậm chí còn nhiều hơn năm 2017.

Đến nay, 3 đảng đã công bố ứng cử viên cho ghế thủ tướng của họ gồm: ông Armin Laschet của đảng CDU, ông Olaf Scholz của đảng SPD và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh.

Mặc dù các thỏa thuận phân chia quyền lực sau ngày bầu cử sẽ rất phức tạp, nhưng theo AP, một điều chắc chắn là đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức sẽ không thể trở thành một phần trong chính phủ mới vì tất cả các đảng phái khác tuyên bố không hợp tác với họ. Quá trình thành lập chính phủ có thể mất từ vài tuần đến vài tháng. Chưa kể, các cuộc khảo sát dư luận gần đây cho thấy có nhiều khả năng việc thành lập chính phủ mới lần này sẽ phức tạp hơn.

Lộ diện ứng viên tiềm năng

Theo báo The Guardian (Anh), các kết quả khảo sát cho thấy ứng cử viên Olaf Scholz của đảng SPD giành chiến thắng trong cả ba cuộc tranh luận trên truyền hình với hai đối thủ là ông Armin Laschet của đảng CDU và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh trước ngày bầu cử 26-9. Cụ thể, đài DW dẫn kết quả khảo sát dư luận toàn quốc của tổ chức INSA cho thấy khoảng cách dẫn trước (dù hẹp) của ứng cử viên đảng SPD là 26%, trong khi ứng cử viên đảng CDU là 21% và đảng Xanh là 15%.

Cũng trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình, đại diện tranh cử của đảng trung tả SPD nhấn mạnh thông điệp hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với đảng Xanh trong việc thành lập chính phủ mới. Cả ông Scholz lẫn bà Baerbock đều đồng thuận quan điểm kêu gọi tăng lương tối thiểu lên 12 euro/giờ (hiện tại là 9,60 euro/giờ) và đề xuất chính sách tăng thuế với người thu nhập cao để miễn thuế cho người thu nhập thấp. Trong vấn đề này, ứng cử viên Laschet của đảng CDU không đồng tình khi cho rằng chủ lao động và các liên đoàn thương mại phải thống nhất với nhau về mức chi trả cho mỗi giờ lao động công bằng.

Trong một số vấn đề khác, hai chính trị gia đại diện của SPD và đảng Xanh cho thấy họ có sự đồng thuận rất lớn. Ông Scholz thậm chí nói ông tin rằng “hầu hết cử tri” sẽ muốn chính phủ mới của Đức được tạo nên từ đảng của ông và đảng Xanh.

Bên cạnh những chính sách “sát sườn” như lương tối thiểu và thuế, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng rất được chú trọng trong cương lĩnh tranh cử của các ứng viên. Điều này không ngạc nhiên khi miền tây nước Đức vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 7 gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Ông Scholz thể hiện bản thân sẵn sàng đối mặt với thách thức lớn khi đưa nền kinh tế công nghiệp của Đức đạt tới trạng thái trung hòa carbon vào năm 2045. Đây cũng là mục tiêu hiện nay của đảng SPD. Trong khi đó, ông Laschet tuyên bố CDU là một trong những đảng đầu tiên ở Đức chú trọng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ngay từ thời chính phủ của cựu Thủ tướng Helmut Kohl.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo AP, Guardian, Euronews)

;
;
.
.
.
.
.