Vắc-xin không cần kim tiêm giữ vai trò then chốt trong chống Covid-19 của Ấn Độ

.

Vắc-xin phòng Covid-19 công nghệ DNA không cần kim tiêm do Ấn Độ phát triển và điều chế được coi là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ấn Độ đã thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine ZyCoV-D trong tháng 8. Ảnh: Zydus Cadila
Ấn Độ đã thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine ZyCoV-D trong tháng 8. Ảnh: Zydus Cadila

Tờ Strait Times (Singapore) đưa tin rằng Ấn Độ đã thông qua sử dụng khẩn cấp vắc-xin DNA đầu tiên của thế giới trong tháng 8. vắc-xin DNA này có tên ZyCoV-D do công ty Ấn Độ Zydus Cadila sản xuất. ZyCoV-D không cần kim tiêm và được Ấn Độ thông qua sử dụng khẩn cấp cho người trưởng thành cũng như trẻ em trên 12 tuổi. Ngoài ra, ZyCoV-D cần được tiêm 3 mũi.

ZyCoV-D được đưa vào cơ thể người qua một thiết bị đẩy dòng chất lỏng áp suất cao vào bề mặt da.
Theo công ty Zydus Cadila, để sử dụng thiết bị đưa vắc-xin ZyCoV-D vào cơ thể người không cần kim tiêm, các nhân viên y tế sẽ trải qua quá trình đào tạo ngắn.

Chuyên gia virus tại Đại học Ashoka (Ấn Độ)-ông Shahid Jameel lý giải rằng khu vực nằm dưới da có rất nhiều tế bào miễn dịch có thể “tóm được DNA và xử lý hiệu quả hơn tại cơ”.

Phương pháp không cần kim tiêm này được đánh giá cao có thể giảm lo lắng, khuyến khích thêm nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đến tiêm vắc-xin.

Kết quả tạm thời từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với hơn 28.000 tình nguyện viên cho thấy ZyCoV-D có hiệu quả 67% trong việc bảo vệ bệnh nhân có triệu chứng khỏi các tác động nghiêm trọng của Covid-19.

Tỷ lệ hiệu quả này được đánh giá thấp hơn so với nhiều vắc-xin Covid-19 khác nhưng các chuyên gia đánh giá vẫn trong vùng chấp nhận được. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất vắc-xin có hiệu quả 50% vẫn đáng để sử dụng.

Tuy nhiên, điều phối viên của cơ quan giám sát chăm sóc sức khỏe có tên Mạng lưới Thuốc Toàn Ấn Độ (AIDAN) - ông Siddhartha Das đánh giá đã có "những khoảng trống" trong các cuộc thử nghiệm ZyCoV-D. Ví dụ là không có nữ giới tham gia giai đoạn một thử nghiệm và giai đoạn ba đã bắt đầu vào tháng 1 ngay cả trước khi dữ liệu của giai đoạn hai được phân tích.

Giám đốc điều hành của Zydus Cadila tuyên bố với truyền thông rằng các thử nghiệm được tiến hành trên 2.800 tình nguyện viên với 1.400 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi và không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.

Các chuyên gia đánh giá rằng vắc-xin DNA và mRNA là phù hợp nhất trong các tình huống như dịch Covid-19 khi hàng tỷ người cần vắc-xin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Jameel nhấn mạnh rằng vắc-xin DNA như ZyCov-D dễ sản xuất và ổn định hơn ở khu vực có thời tiết nóng bởi vắc-xin công nghệ mRNA thường phải lưu trữ ở môi trường nhiệt độ rất thấp.

Zydus Cadila khẳng định đến tháng 10 sẽ sản xuất được 10 triệu liều ZyCoV-D và đến tháng 1-2022 là 40-50 triệu liều.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.