Bị tố thao túng dữ liệu, IMF khẳng định trong sạch

.

Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ủng hộ bà Kristalina Georgieva tiếp tục làm Tổng Giám đốc tổ chức này mặc dù bà bị cáo buộc gây sức ép để điều chỉnh dữ liệu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Bà Kristalina Georgieva vẫn tiếp tục lãnh đạo IMF. 			       Ảnh: AP
Bà Kristalina Georgieva vẫn tiếp tục lãnh đạo IMF. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, ngày 12-10, Ban điều hành IMF gồm 24 thành viên bày tỏ “tin tưởng hoàn toàn” Tổng Giám đốc Kristalina Georgieva, đồng thời khẳng định họ đã xem xét và nhận thấy “thông tin về vai trò không phù hợp của Tổng Giám đốc khi bà còn là lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) là không đủ thuyết phục”. “Ban điều hành tái khẳng định sự tin tưởng hoàn toàn vào khả năng lãnh đạo của Tổng Giám đốc và khả năng tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của bà”, Ban điều hành nêu rõ.

Theo cáo buộc, bà Georgieva khi làm Giám đốc điều hành WB đã cùng các quan chức khác gây sức ép lên nhân viên ở WB để chỉnh sửa dữ liệu, nâng thứ hạng của Trung Quốc trong báo cáo Môi trường kinh doanh Doing Business năm 2018. Xếp hạng của các nước lúc đó được công bố vào tháng 10-2017, Trung Quốc được cho là đã tăng 7 bậc lên vị trí thứ 78. Thời điểm đó, bà Georgieva đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc hỗ trợ nâng nguồn tài trợ của WB cho một đợt tăng vốn lớn.

Hãng tin CNBC cho hay, báo cáo Môi trường kinh doanh Doing Business là ấn phẩm thường niên của WB, được thực hiện liên tục kể từ năm 2003 như một nguồn tham khảo về thứ hạng, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của các nền kinh tế trên thế giới. Thứ hạng càng cao thì đồng nghĩa môi trường kinh doanh càng tích cực đối với doanh nghiệp.

Cáo buộc được Công ty luật WilmerHale (Mỹ) đưa ra hồi tháng 9. Theo New York Times, kết quả điều tra do Công ty luật WilmerHale tiến hành theo yêu cầu của Ủy ban Đạo đức ngân hàng, đã đặt ra câu hỏi về vai trò của bà Georgieva trong thời gian làm việc tại WB. Sau cuộc điều tra của WilmerHale, WB thông báo ngừng phát hành báo cáo Môi trường kinh doanh Doing Business.

Bà Georgieva từng làm Giám đốc điều hành WB từ tháng 1-2017, trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của IMF từ ngày 1-10-2019. Bà bác bỏ mọi cáo buộc nói trên và khẳng định bà “không gây áp lực cho bất kỳ ai để thay đổi bất kỳ báo cáo nào”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trao đổi qua điện thoại với bà Georgieva, đồng thời cho biết báo cáo của Công ty luật WilmerHale đã đặt ra “các vấn đề pháp lý và mối quan tâm chính đáng”. Tuy nhiên, bà Yellen thống nhất rằng, thiếu bằng chứng về vai trò của Tổng Giám đốc IMF trong vụ việc thì không có cơ sở để thay đổi người đứng đầu tổ chức này.

Pháp, Anh và các nước châu Âu khác bày tỏ sự ủng hộ bà Georgieva. Trong khi đó, theo AP, Mỹ dường như miễn cưỡng khi IMF để bà Georgieva tiếp tục tại vị. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ mấy ngày trước tranh luận về việc cường quốc này (đóng góp tài chính lớn nhất cho IMF) có nên yêu cầu Tổng Giám đốc Georgieva từ chức hay không.

Các nhà quan sát nhận định, rắc rối liên quan vấn đề đạo đức đối với IMF và WB cho thấy Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - có quá nhiều ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính quốc tế. Các cuộc họp của 190 quốc gia thành viên IMF và WB cũng sẽ diễn ra trong tuần này, nhưng tranh cãi về báo cáo Môi trường kinh doanh Doing Business có thể phủ bóng lên các chương trình nghị sự.

Bà Kristalina Georgieva là Tổng Giám đốc IMF từ năm 2019, thay thế bà Christine Lagarde - người đã rời IMF để trở thành Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích