Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 284.000 ca bệnh Covid-19 và trên 4.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 235,6 triệu ca, trong đó trên 4,81 triệu ca tử vong.
Tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ, ngày 10-1-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (30.439 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (27.351 ca) và Nga (25.769 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (890 ca), Mexico (614 ca) và Mỹ (241 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với trên 44,5 triệu ca mắc và khoảng 720.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33,8 triệu ca mắc, trong đó khoảng 449.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21,4 triệu ca mắc và khoảng 597.000 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 890 ca tử vong
Nga ghi nhận thêm 890 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, sau khi ghi nhận 886 ca ngày trước đó.
Đây là số ca tử vong ghi nhận hằng ngày cao nhất tại Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới cũng lên tới gần 26.000, mức cao nhất kể từ ngày 2/1 vừa qua. Theo đó, tổng số ca nhiễm trên cả nước tăng lên hơn 7,5 triệu người, trong đó 209.918 ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ tỷ vong do Covid-19 tại Nga hiện nay khoảng 2,77%.
Trong 24 giờ qua có 15.391 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi tại Nga, nâng tổng số lên hơn 6,7 triệu, chiếm 88,7% số người nhiễm bệnh.
Italy cho phép tiêm đồng thời cả vaccine phòng Covid-19 và cúm
Ngày 3-10, Bộ Y tế Italy đã bật đèn xanh cho người dân được phép tiêm vaccine phòng Covid-19 và vaccine phòng cúm cùng một lúc.
Quyết định trên được Bộ Y tế Italy đưa ra sau khi kết quả một nghiên cứu của Anh cho thấy mọi người có thể an toàn khi đồng thời tiêm vaccine phòng Covid-19 và vaccine phòng cúm bởi vì việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch do hai loại vaccine tạo ra.
Trước đó, Chính phủ Italy cũng đã công nhận tất cả các phiên bản của vaccine AstraZeneca, khác với phiên bản đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, bao gồm Covishield (Viện Huyết thanh của Ấn Độ), R-CoVI (R-Pharm) và vaccine Covid-19 tái tổ hợp (Fiocruz).
Điều này có nghĩa là tất cả những người đã được tiêm phòng Covid-19 bằng 3 phiên bản vaccine AstraZeneca trên đây đều được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh vào Italy. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy cho biết “các giấy chứng nhận được các cơ quan y tế ở Canada, Nhật Bản, Israel, Anh và Mỹ, cũng như các giấy chứng nhận do các cơ quan y tế nước ngoài cấp sau khi được tiêm chủng bằng vaccine được EMA phê duyệt, cũng như 3 loại vaccine trên được công nhận là tương đương với chứng chỉ xanh kỹ thuật số của Italy và EU”.
Theo số liệu của Bộ Y tế Italy, ngày 3-10, nước này có 2.968 ca mắc Covid-19 mới và 33 ca tử vong. Cho đến nay, Italy đã ghi nhận 131.031 ca tử vong liên quan đến Covid-19, cao thứ hai ở châu Âu sau Anh và đứng thứ 9 thế giới.
Các biện pháp y tế ở Bỉ phát huy hiệu quả
Các biện pháp y tế mà Chính phủ Bỉ áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19 đang phát huy hiệu quả, góp phần giúp quốc gia này đón nhận kịch bản tích cực nhất trong số các dự báo có sẵn. Đây là nhận định của nhà vi khuẩn học Steven Van Gucht thuộc Viện khoa học và y tế Bỉ (Siensanco).
Sau nhiều tuần gia tăng, đến ngày 1-10, đường cong dịch Covid-19 có xu hướng phẳng dần ở thủ đô Brussels và tỉnh Liège. Kể từ ngày 1-10, vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan ở phía Bắc) tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Thành công của chiến dịch tiêm chủng giúp giới chức vùng quyết định bỏ quy định đeo khẩu trang tại hầu hết các địa điểm công cộng và trường học. Trong khi đó, vùng Wallonia (vùng nói tiếng Pháp ở phía Nam) vẫn phải kéo dài một loạt biện pháp y tế để phòng dịch.
Về tổng thể ở cấp quốc gia, các chỉ số dịch bệnh đều cải thiện. Nhà virus học Steven Van Gucht nhận định trên quy mô toàn quốc, tình hình nhìn chung khả quan. Các số liệu mới nhất cho thấy các biện pháp nhắm trúng mục tiêu đang mang lại hiệu quả, đặc biệt là ở vùng thủ đô Brussels và tỉnh Liège, 2 địa phương vốn có số lượng người mắc Covid-19 cao.
Kể từ cuối tháng 8 vừa qua, số ca mắc mới Covid-19 đã giảm ở thủ đô Brussels sau nhiều tuần liên tục tăng. Tương tự, đường cong dịch bệnh ở Liège cũng có xu hướng đi xuống sau khi tăng liên tục kể từ cuối tháng 6. Chuyên gia Steen Van Gucht đánh giá các biện pháp cứng rắn đã có hiệu quả. Nhà vi khuẩn học này nhấn mạnh khoảng một năm trước đây, nếu muốn tác động đến các đường cong dịch bệnh thì cần có những thay đổi lớn, trên quy mô lớn, nhưng hiện nay có thể dựa vào các biện pháp quy mô nhỏ hơn, có mục tiêu hơn và có tác động cụ thể.
Tuy nhiên, các chuyên gia về dịch tễ học cảnh báo mùa Thu sẽ là thời điểm dịch bệnh gia tăng do thời tiết lạnh, các hoạt động diễn ra trong nhà, kém thông thoáng, tạo điều kiện cho virus phát tán. Một yếu tố khác là khi năm học mới bắt đầu, học sinh sống ở nhiều vùng khác nhau trở lại trường sau khi di chuyển nhiều nơi trong kỳ nghỉ nên tiềm ẩn nguy cơ dịch tễ cao. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng trong giới trẻ ở Brussels vẫn còn thấp. Theo số liệu mới nhất từ Sciensano, gần 43% thanh niên 18-24 tuổi đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19. Ở Wallonia tỷ lệ này là 70% và ở Flanders là 85%.
Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 thấp nhất trong gần 3 tháng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Taman Muda gần Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 3-10, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 9.066 ca nhiễm mới Covid-19. Đây là số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày thấp nhất tại Malaysia trong gần 3 tháng qua kể từ ngày 12-7 ghi nhận 8.574 ca, đồng thời cũng là lần đầu tiên trong gần 3 tháng số ca nhiễm mới về mức 4 con số.
Bang Sarawak vẫn là địa phương đứng đầu Malaysia về số ca nhiễm mới, với 1.418 ca, nhưng đây cũng là mức thấp nhất bang này ghi nhận trong 45 ngày qua. Một số địa phương khác như bang Johor, Penang, Kelantan và Perak cũng ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới thấp nhất trong khoảng 2 tuần.
Đến nay Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.277.565 ca nhiễm Covid-19.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore vượt mốc 100.000 ca
Bộ Y tế Singapore thông báo tổng số ca bệnh ở đảo quốc này kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay đã vượt mốc 100.000, lên 101.786 ca. Tuy vậy, với thêm 2.356 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới đã lần đầu giảm sau 4 ngày liên tục tăng cao.
Kênh Channel News Asia dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết trong tổng số ca mắc mới, có 1.938 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, bộ này ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì Covid-19, đều là công dân Singapore, từ 55 đến 80 tuổi, chưa tiêm phòng Covid-19 và có các bệnh lý nền. Như vậy, tổng số ca tử vong của Singapore từ đầu dịch hiện tăng lên thành 107 ca. Tỷ lệ tử vong của Singapore hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Cũng theo Bộ Y tế Singapore, hiện có 1.422 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 243 trường hợp bệnh nặng phải thở oxy và 31 trường hợp nguy kịch phải điều trị tích cực (ICU). Đáng lưu ý, trong nhóm bệnh nặng có đến 233 người trên 60 tuổi - nhóm dễ tổn thương. Trong 28 ngày qua, tỷ lệ ca bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nước này là 98,2%. Trong số các ca cần thở oxy và ca ICU, 50,6% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và 49% chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi. Có thể thấy tỷ lệ người tiêm vắc xin đầy đủ mắc bệnh nặng chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số ca nhiễm, và nhỉnh hơn một chút nếu tính cả số người đã tiêm 1 mũi.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong - đồng chỉ huy lực lượng đặc trách liên bộ chống Covid của Singapore - kêu gọi người dân không hoang mang, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nước này cao "nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca nhiễm". Ông khẳng định giới chức Singapore "đang dồn lực cho các ca bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Các quy trình và giao thức cần phải thay đổi, cần bổ sung thêm công suất cho bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng".
Tính đến ngày 1-10, 85% dân số Singapore đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó 82% đã tiêm phòng đầy đủ. Giới phân tích nhận định, các biện pháp chống dịch hiệu quả và việc tiếp cận sớm với vaccine đã giúp Singapore giữ được tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp so với trung bình thế giới, bất chấp việc ca nhiễm những ngày qua đều tăng 4 con số.
New Zealand siết chặt kiểm soát biên giới
Ngày 3-10, New Zealand, tuyên bố siết chặt các biện pháp hạn chế tại biên giới trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 gia tăng tại các khu vực trước đây chưa từng ghi nhận dịch bệnh này.
Bộ trưởng phụ trách ứng phó Covid-19 của New Zealand, ông Christ Hipkins, nêu rõ các du khách nước ngoài từ 17 tuổi trở lên phải tiêm phòng Covid-19 đầy đủ nếu muốn nhập cảnh bằng đường hàng không vào quốc gia châu Đại Dương này.
Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand cũng thông báo sẽ triển khai chính sách "không tiêm không bay" đối với hành khách trên tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 1-2 tới.
Nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ và chính sách phong tỏa kịp thời, New Zealand đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với việc chỉ ghi nhận 27 ca tử vong trong tổng số 5 triệu dân. Cuộc sống của người dân phần lớn cũng đã được nối lại như trước đại dịch. Tuy nhiên, giới chức sở tại quyết định tăng cường các biện pháp hạn chế trong bối cảnh thành phố Hamilton và thị trấn Raglan lân cận phải phong tỏa 5 ngày do ghi nhận 2 ca mắc mới Covid-19. Các chuyên gia y tế nhận định 2 trường hợp này không liên quan đến đợt bùng phát mới nhất khiến 1.320 người nhiễm bệnh ở thành phố Auckland, cách đó 160km.
Australia giảm thời gian tự cách ly với người đã tiêm phòng đầy đủ
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 3-10, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo từ ngày 11-10 tới sẽ giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần các ca được xác định mắc Covid-19.
Các quy định mới nêu rõ người có tiếp xúc gần, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19, sẽ được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay.
Trong khi đó, người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày, bất kể đã tiêm phòng đầy đủ hay chưa.
Theo số liệu của Cơ quan Y tế bang NSW, hiện 66,5% cư dân từ 16 tuổi trở lên của bang này đã được tiêm phòng đầy đủ và 88,1% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Dự kiến địa phương đông dân nhất ở Australia này sẽ đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70% vào giữa tuần tới và các hạn chế phòng dịch ở đây sẽ được nới lỏng từ ngày 11-10.
Trong bối cảnh bang chuẩn bị mở cửa trở lại sau hơn một tuần nữa, Giám đốc y tế bang NSW Kerry Chant lưu ý vẫn còn "rất nhiều điều cần phải tìm hiểu" về biến thể Delta và ảnh hưởng đối với những người được tiêm chủng đầy đủ, đáng chú ý nhất là tỷ lệ nhập viện và khả năng lây nhiễm cho người khác.
Trước đó, ngày 2-10, bang NSW đã ghi nhận 667 ca mắc mới Covid-19, giảm đáng kể so với 1.599 ca ghi nhận cách đây 3 tuần. Tính đến ngày 3-10, thành phố Sydney, thủ phủ của bang NSW đã trải qua 100 ngày phong tỏa, kể từ khi xác định ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên ở Australia hôm 16-6.
Peru lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường
Bộ trưởng Y tế Peru Hernando Cevallos ngày 2-10 xác nhận nước này sẽ triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 65 tuổi và các bệnh nhận có bệnh lý nền.
Bộ trưởng Cevallos nêu rõ Peru sẽ sử dụng các loại vaccine Pfizer và AstraZeneca để tiêm mũi thứ ba, do đã có những bằng chứng về hiệu quả của việc tiêm mũi tăng cường sau hai mũi tiêm đầu tiên của các loại vaccine này. Bộ trưởng Cevallos nhận xét vaccine của Sinopharm của Trung Quốc đã cho kết quả tốt tại Peru, song chưa có kết quả rõ ràng về hiệu quả của việc tiêm mũi thứ ba.
Hiện tại, tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, theo đó cứ 100.000 người thì có 605 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 199.000 người Peru đã tử vong vì căn bệnh này trong tổng số hơn 2 triệu người mắc. Hiện có khoảng 32% dân số Peru, tương đương 10 triệu người, đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Nicaragua đã phê duyệt vaccine Abdala và Soberana của Cuba
Tập đoàn dược phẩm BioCubaFarma thông báo Cơ quan Quản lý Y tế thuộc Bộ Y tế Nicaragua đã phê duyệt vaccine Abdala và Soberana của Cuba để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại quốc gia Trung Mỹ này.
Cuba đã phát triển 3 loại vaccine Covid-19, tất cả đều đang chờ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Cuba cũng là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh và Caribe phát triển thành công vaccine ngừa đại dịch.
Ngành công nghệ sinh học của Cuba có lịch sử lâu đời về phát triển vaccine. Quốc gia này tự sản xuất tới 80% lượng vaccine sử dụng trong nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trước Nicaragua, Venezuela, Việt Nam và Iran cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp ủy quyền cho vaccine ngừa Covid-19 của Cuba.
Theo Báo Tin tức