Quốc tế

"Kéo dài kỷ băng hà" trong quan hệ Nga - NATO

09:14, 21/10/2021 (GMT+7)

Quan hệ Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xấu đi nghiêm trọng kể từ sau cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Các cuộc đàm phán chính thức song phương bị hạn chế trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, các bên vẫn giữ kênh liên lạc để xúc tiến cuộc họp cấp cao và hợp tác quân sự.

Tuy nhiên, ngày 6-10, NATO thông báo tiếp tục cắt giảm biên chế của phái bộ Nga tại trụ sở liên minh từ 20 người xuống còn 10 người, thu hồi công nhận 8 nhà ngoại giao và bãi bỏ 2 vị trí trống. NATO lý giải, 8 thành viên đó là “các sĩ quan tình báo Nga không được khai báo” và yêu cầu họ rời Brussels vào cuối tháng 10.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant ngày 7-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, hành động nói trên cho thấy giá trị thực các tuyên bố của NATO: “Hôm qua, NATO vẫn tuyên bố tầm quan trọng của việc giảm leo thang trong quan hệ với Nga, kêu gọi nối lại đối thoại trong Hội đồng NATO - Nga và cử một đại sứ đến Brussels (Bỉ). Đến hôm nay, các tuyên bố đã không còn”. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga đã hủy hoại hoàn toàn triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và liên minh quân sự này.

Không dừng lại ở đó, Nga tiếp tục có hành động cứng rắn hơn khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18-10 tuyên bố chấm dứt hoạt động ngoại giao của phái bộ nước này tại NATO và đình chỉ các hoạt động của phái bộ NATO ở Moscow từ ngày 1-11. “NATO không quan tâm đến đối thoại công bằng hay bất cứ công việc chung nào. Nếu vậy, chúng tôi thấy không cần thiết tiếp tục tin rằng sẽ có những thay đổi trong tương lai gần.

Chính NATO đã cho thấy những thay đổi đó là không thể”, ông Lavrov nói, đồng thời khẳng định: “Nga chưa bao giờ khơi mào cho việc làm xấu đi quan hệ với NATO hay Liên minh châu Âu (EU), hoặc với bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây hay bất kỳ khu vực nào khác”. Ông Lavrov cáo buộc NATO đang “chôn vùi” Hội đồng Nga - NATO, nơi có thể triệu tập các cuộc tham vấn khẩn cấp trong bối cảnh khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra NATO đã đơn phương cắt giảm biên chế của cơ quan đại diện ngoại giao Nga tại Brussels 2 lần (vào năm 2015 và 2018). Trong bối cảnh quan hệ leo thang căng thẳng từ năm 2014, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO triển khai lực lượng gần biên giới Nga, gọi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Hai bên cũng cáo buộc lẫn nhau tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn nhằm gây bất ổn gần biên giới của nhau.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng, quyết định của Moscow sẽ “kéo dài kỷ băng hà” trong quan hệ giữa Nga và NATO. Ông Maas nhận định, việc Nga thông báo sẽ đóng cửa phái bộ ngoại giao tại NATO khiến mọi việc càng trở nên khó khăn hơn, gây tổn hại cho mối quan hệ giữa phương Tây và Nga.

Thực tế, quan hệ hợp tác thực tế Nga - NATO bị đình chỉ từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hội đồng Nga - NATO, vốn được thành lập vào năm 2002, cũng họp lần gần đây nhất là vào năm 2017, tức cách đây đã 4 năm.

Giờ đây, những diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ Nga - NATO nói riêng và Nga với phương Tây nói chung đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay trên nhiều bình diện khác nhau cả về chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Bất đồng đó chưa thể dẫn đến xung đột vũ trang, nhưng sự cạnh tranh về địa chính trị, về vai trò siêu cường cũng như tầm ảnh hưởng ngày càng trở nên sâu sắc và rất khó “hóa giải” khi các bên liên quan chưa sẵn sàng đối thoại để cải thiện quan hệ.

TUYẾT MINH

.