Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh ở “đất nước Mặt Trời mọc” là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Fumio Kishida.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Nguồn: THX/ TTXVN) |
Ngày 4-10, tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Fumio Kishida đã được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Kishida sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức, cũng là những phép thử lớn đối với chính trị gia này trên cương vị mới.
Trước hết, ông Kishida sẽ phải bắt tay vào hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ LDP, vốn đã bị sứt mẻ đáng kể sau cuộc bầu cử chủ tịch LDP. Khác với cuộc bầu cử năm ngoái, khi đa số các phái trong LDP đều dồn phiếu cho ông Suga Yoshihide, năm nay, các phe phái trong LDP bị chia rẽ nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi tiến hành cải tổ ban lãnh đạo đảng cầm quyền ngày 1-10, ông Kishida sẽ phải dồn sức khôi phục sự đoàn kết trong nội bộ đảng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong ngắn hạn đối với ông Kishida lại là làm thế nào để giúp LDP giành đa số ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng này.
Đây sẽ là một cuộc bầu cử rất khó khăn đối với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Reiwa Shinsengumi, đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền.
Điều đáng ngại là các ứng cử viên do LDP hậu thuẫn đã thất bại trong ba cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào giữa năm nay và một số cuộc bầu cử quan trọng gần đây ở địa phương, trong đó có cuộc bầu cử thị trưởng Yokohama.
Hiện nay, LDP đang giữ 275 trong tổng số 465 ghế tại hạ viện. Nếu LDP để mất thế đa số tại cơ quan lập pháp này, chặng đường sau đó của ông Kishida sẽ vô cùng khó khăn.
Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh ở “đất nước Mặt Trời mọc” là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Kishida.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Nhật Bản đã phải trải qua 5 làn sóng lây nhiễm, trong đó làn sóng thứ năm là dữ dội nhất với số ca nhiễm mới đã tăng rất cao, từ 864 ca vào ngày 21-6 lên 25.892 ca/ngày hôm 20-8.
Kết quả là hai tuần trước lễ khai mạc Olympic Tokyo, ngày 8-7, Chính phủ Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư ở Tokyo. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp tiếp tục được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác.
Cho đến ngày 29-9, ngày LDP tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực ở 19 trong tổng số 47 tỉnh, thành. Mặc dù dịch bệnh đã tạm thời lắng dịu và số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày, tình trạng khẩn cấp cũng được dỡ bỏ ở tất cả các tỉnh, thành, nhưng điều đó không có nghĩa là Covid-19 đã được khống chế, nhất là khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.
Để ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Kishida đã đưa ra đề xuất lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một tháp chỉ huy, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông cũng cam kết sẽ tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế và đặt mục tiêu “khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội tới gần mức bình thường càng sớm, càng tốt".
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vaccine và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2".
Một thách thức lớn khác đối với tân Thủ tướng Kishida là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành. Do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong tài khóa 2020 cho dù phục hồi mạnh trong giai đoạn từ tháng 7 - 12-2020.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong quý 1 của tài khóa 2021 (tháng 4 - 6-2021), nước này bất ngờ đạt tốc độ tăng trưởng dương 1,3% sau khi tăng trưởng âm 3,9% trong quý trước đó. Tuy nhiên, nhiều khả năng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ lại tăng trưởng âm trong giai đoạn tháng 7 - 9-2021 do ảnh hưởng của việc ban bố tình trạng khẩn cấp.
Để hỗ trợ nền kinh tế, trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã kêu gọi soạn thảo gói kích thích kinh tế có trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen." Mặt khác, ông cho rằng Nhật Bản cần phải duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời ủng hộ tạm dừng thực hiện mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản của nhà nước trở lại trạng thái thặng dư vào tài khóa 2025.
Ngoài ra, ông cũng ủng hộ “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới," chuyển từ các chính sách dựa trên chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) sang các chính sách ưu tiên phân phối công bằng hơn.
Cùng với việc khống chế dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế, trong trung hạn, ông Kishida sẽ phải đối mặt với một loạt "bài toán" hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện cán cân thu-chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà hai người tiền nhiệm của ông Kishida chưa thể giải quyết.
Liên quan tới an ninh, nhà lãnh đạo Kishida sẽ phải xử lý hai vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe, một trong ba nhân vật giữ vai trò quyết định đưa ông Kishida tới chiếc ghế thủ tướng, rất tâm huyết nhưng chưa thể hoàn thành là sửa đổi Hiến pháp và thúc đẩy việc cho phép Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ tên lửa của kẻ thù ở nước ngoài. Đây là những vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản và có thể làm rạn nứt liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh.
Trên mặt trận ngoại giao, thách thức lớn nhất đối với ông Kishida là làm thế nào để cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn. Chắc chắn ông Kishida sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này đang ngày càng gay gắt.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida mô tả Nhật Bản là "tuyến đầu" của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bác bỏ các quan ngại rằng hai bên có thể sẽ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Mặt khác, để củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, vốn được ông Kishida coi là nền tảng để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là việc không dễ thực hiện cho dù ông Kishida đã từng sống và học tập ở Mỹ trong thời niên thiếu và từng giữ chức ngoại trưởng Nhật Bản.
Các thách thức đối ngoại khác mà ông Kishida cần phải giải quyết trong thời gian tới gồm: cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang rất căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ; thúc đẩy cuộc đàm phán với Nga về số phận của 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido mà Moskva đang quản lý và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc nhằm mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước; giải quyết vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong các năm 1970 và 1980 nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Có thể thấy Thủ tướng Kishida nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây chính là phép thử quan trọng đối với khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia này.
Dư luận hy vọng ông Kishida có thể vượt qua các thách thức đó để giúp Nhật Bản không rơi vào vòng xoáy thay đổi lãnh đạo, đồng thời nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+