Phân bổ vắc-xin công bằng để vượt qua đại dịch

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nhân loại có mọi khả năng để chiến thắng Covid-19 nhưng cần ký một hiệp ước toàn cầu và bảo đảm phân bổ vắc-xin công bằng.

Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% số người trưởng thành trước thời điểm cuối năm 2021. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm ở thủ đô Manila. Ảnh: Reuters
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% số người trưởng thành trước thời điểm cuối năm 2021. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm ở thủ đô Manila. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh Y tế Thế giới (World Health Summit) diễn ra ở thủ đô Berlin của Đức theo hình thức trực tuyến, khai mạc ngày 24-10 (giờ địa phương), là diễn đàn quốc tế quan trọng về sức khỏe toàn cầu, trong lúc cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 244,5 triệu ca nhiễm và 4,9 triệu ca tử vong, theo trang thống kê Wordometers. Hội nghị kéo dài đến ngày 26-10, tập trung các chủ đề như: chiến lược toàn cầu nhằm ứng phó và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và WHO trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu, phân bổ công bằng vắc-xin.

Hãng tin MSN cho biết, phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, đại dịch còn lâu mới kết thúc khi hằng tuần vẫn có khoảng 50.000 người tử vong. “Đại dịch sẽ chấm dứt khi thế giới quyết định kết thúc nó. Nó nằm trong tầm tay chúng ta”, ông Tedros nói. Người đứng đầu WHO lý giải, hiện có tất cả các công cụ cần thiết để đánh bại đại dịch, bao gồm y tế cộng đồng và kiến thức y học, nhưng thế giới chưa sử dụng tốt những công cụ này.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tedros đưa ra nhận định rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Trước đó, ông Tedros đã 2 lần phát biểu như vậy (một lần phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12-4 và một lần phát biểu vào ngày 17-5).

Hãng tin Reuters còn cho hay, Tổng Giám đốc WHO tiếp tục kêu gọi việc cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 một cách công bằng. Ông nói rằng, chính phủ các nước và các hãng dược phẩm phải cung cấp nhiều vắc-xin hơn nữa, nhất là phân phối đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, vì đây là cách duy nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Một lần nữa ông Tedros cảnh báo về những rủi ro của chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin và việc tích trữ vắc-xin, đồng thời thúc giục việc ký một hiệp ước toàn cầu về đại dịch. Thế giới cần ngay khoảng 8 tỷ USD cho công tác phân phối vắc-xin công bằng. Vì vậy, người đứng đầu WHO kêu gọi các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hỗ trợ để đạt mục tiêu này. G20 nên nhường suất của mình trong danh sách phân phối vắc-xin theo cơ chế COVAX (chương trình phân bổ vắc-xin toàn cầu của Liên Hợp Quốc) và quỹ mua lại vắc-xin châu Phi (AVAT). Ngoài ra, các nước G20 phải thực hiện các cam kết chia sẻ vắc-xin ngay lập tức.

Trong phiên thảo luận ngày 24-10, Giám đốc điều hành Bệnh viện Charité ở Berlin, GS.TS Heyo Kroemer kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Hãng Reuters dẫn lời vị chuyên gia này nói rằng, đại dịch xảy ra trên toàn thế giới cho thấy cần thiết phải hành động phối hợp và trao đổi kiến thức, chuyên môn không bị cản trở.

Trong thư gửi đến hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, Covid-19 tiếp tục là thách thức to lớn cho thế giới với những biến thể mới và thế giới chỉ có thể hợp tác thì mới vượt qua được đại dịch. Bà Merkel cũng thúc giục việc phân bổ vắc-xin công bằng và cho rằng đây là con đường duy nhất để vượt qua đại dịch.

Trước thềm hội nghị nói trên, TS. Bruce Aylward, lãnh đạo cấp cao của WHO, nhận định đại dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022 vì các nước nghèo không nhận được số vắc-xin cần thiết. Các nước giàu cần nhường cơ hội mua vắc-xin để các quốc gia có thu nhập thấp có thể tiếp cận.

Theo số liệu của tổ chức “Our World in Data”, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình toàn thế giới đạt 37,6%. Song, tỷ lệ này rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước ở từng châu lục. Hiện chỉ gần 5% dân số châu Phi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong khi tỷ lệ này ở các châu lục khác từ 40% trở lên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.