Triều Tiên lại thử tên lửa

.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ kêu gọi đàm phán, CHDCND Triều Tiên đã phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo vào sáng 19-10, có thể đây là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Hình ảnh do hãng KCNA phát cho thấy một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng không xác định rõ mốc thời gian. Ảnh: Yonhap
Hình ảnh do hãng KCNA phát cho thấy một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng không xác định rõ mốc thời gian. Ảnh: Yonhap

Hãng tin Yonhap cho biết, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay xa 430-450km và đạt độ cao nhất là 60km. Vụ phóng diễn ra tại một địa điểm gần Sinpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong. Sinpo là nơi mà Bình Nhưỡng cất giữ tàu ngầm và SLBM. Thành phố này cũng chính là địa điểm Triều Tiên bắt đầu phát triển SLBM và thành công với vụ phóng thử đầu tiên là tên lửa Bukguksong-1 hồi tháng 4-2016.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho rằng, tên lửa được phóng có thể là SLBM. Quân đội Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ tình hình và duy trì trạng thái sẵn sàng, đồng thời phối hợp với Mỹ để chuẩn bị ứng phó những vụ phóng tiếp theo.

Theo AP, cả Hàn Quốc, Nhật Bản lẫn Mỹ đều nghi ngờ đây là tên lửa đạn đạo. Trong một thông cáo, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, quân đội nước này coi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là hành động gây bất ổn, nhưng không tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Washington và các đồng minh. Hãng tin AP cũng dẫn lời một chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, Washington và Seoul quan tâm liệu tên lửa được phóng có phải là phiên bản SLBM mới, có khả năng tránh bị đánh chặn và được trưng bày tại Triển lãm phát triển quốc phòng tự vệ mới đây hay không.

Đáng chú ý, vụ phóng diễn ra trong lúc lãnh đạo tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến gặp gỡ tại thủ đô Seoul để thảo luận về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đại diện rất nhiều doanh nghiệp và quân đội các nước cũng đang có mặt ở Seoul dự lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Quốc tế Seoul (ADEX) 2021 - một trong những sự kiện quốc phòng lớn nhất châu Á.

Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nếu vi phạm, nước này sẽ phải chịu lệnh trừng phạt. Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn 1 tháng Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Ngày 15-9, quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa, một bước đột phá trong chương trình phát triển vũ khí. Trước đó, ngày 11 và 12-9, Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình bay thấp và chậm hơn so với tên lửa đạn đạo.

Hãng tin AP dẫn lời GS. Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul cho rằng, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang phát triển SLBM vì muốn có một biện pháp răn đe hạt nhân tồn tại lâu hơn để có thể “mặc cả” với các nước láng giềng và Mỹ. Song, GS. Leif-Eric Easley cũng đưa ra nhận định: Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa phần lớn là nhằm “phát triển năng lực quân sự và tăng cường đoàn kết trong nước”.

Trong khi đó, Triều Tiên từng tuyên bố nước này cần vũ khí để phòng vệ trước nguy cơ một cuộc tấn công từ Mỹ. Tuần trước, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh: Chương trình phát triển vũ khí của nước này là để tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Chỉ vài giờ trước khi diễn ra phóng tên lửa mới nhất nói trên, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, đồng thời khẳng định Washington không có ý định thù địch với quốc gia châu Á này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã 3 lần gặp gỡ cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng đến nay đàm phán Mỹ - Triều vẫn bế tắc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện vẫn muốn thúc đẩy việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 trước khi hoàn tất nhiệm kỳ của ông vào năm 2022, nhưng chưa rõ giải pháp ngoại giao sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.