APEC ứng phó và phục hồi sau Covid-19

.

Các nhà lãnh đạo và quan chức tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tập trung bàn thảo về việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trong các cuộc họp trực tuyến từ ngày 8-11.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao APEC vào ngày 11 và 12-11. Ảnh: apec.org
Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao APEC vào ngày 11 và 12-11. Ảnh: apec.org

Hãng tin Reuters cho biết, Tuần lễ Cấp cao APEC kéo dài từ ngày 8 đến 12-11. Hoạt động quan trọng nhất là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 do Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden chủ trì, diễn ra vào ngày 11 và 12-11 theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận về định hướng và tầm nhìn chiến lược cho hợp tác tương lai giữa các nền kinh tế APEC.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Ardern nhấn mạnh: “Hội nghị sẽ tập trung vạch ra con đường phục hồi từ khủng hoảng”, trọng tâm là ứng phó và phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Bà Ardern đề cập việc các nền kinh tế tiếp tục duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng, hỗ trợ thương mại các thiết bị y tế quan trọng như bộ dụng cụ xét nghiệm, PPE (thiết bị bảo vệ cá nhân) và vắc-xin ngừa Covid-19.

Thủ tướng New Zealand còn nói rằng, diễn đàn sẽ phát huy các kết quả đã đạt được bằng cách tiếp thêm năng lượng cho các nỗ lực phục hồi kinh tế, trung hòa khí thải carbon và thúc đẩy tăng trưởng, không để ai ở lại phía sau.

Các cuộc đối thoại trước hết sẽ diễn ra giữa các Bộ trưởng Thương mại và Ngoại trưởng của 21 nền kinh tế thành viên APEC (trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga…), trước khi các nhà lãnh đạo nhóm họp.

Cũng theo Reuters, các nền kinh tế APEC chiếm khoảng 38% dân số thế giới và hơn 60% GDP toàn cầu. Trong một phiên họp đặc biệt hồi tháng 6 vừa qua, APEC cam kết mở rộng chia sẻ và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Do ảnh hưởng của Covid-19, tại cuộc họp tháng 6, New Zealand thông báo chuyển tất cả các sự kiện của APEC 2021 sang hình thức trực tuyến, bao gồm hội nghị Cấp cao APEC trong hai ngày 11 và 12-11.

Đến tháng 7, cuộc họp không chính thức của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đạt được mục tiêu đề ra là giảm thuế quan và các rào cản thương mại đối với hàng hóa liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19. Các quốc gia cũng cam kết xem xét lại thuế quan đối với loại vắc-xin này. Hiện có 17 nền kinh tế thành viên APEC giảm hoặc dỡ bỏ thuế quan đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Để đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhiều nền kinh tế APEC cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng.

Trong cuộc họp hồi tháng 7, Thủ tướng Ardern đề cập 2 điểm quan trọng được đồng thuận tại cuộc họp. Thứ nhất, các lãnh đạo nhất trí đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài, các thành viên APEC có nhiều việc phải làm và cần phối hợp xuyên biên giới. Thứ hai, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai là rất quan trọng bởi Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giờ đây, mục tiêu nói trên được nhắc lại trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần này - sự kiện mang chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng”. Theo đó, các nền kinh tế thành viên được cho là sẽ khẳng định cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay, thống nhất quyết tâm đưa khu vực phục hồi bền vững và chắc chắn. Báo cáo mới công bố về xu hướng kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nền kinh tế thành viên APEC dự kiến tăng trưởng 6% trong năm 2021 và ổn định ở mức 4,9% vào năm 2022.

PHÚC NGUYÊN

APEC được thành lập vào năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Bắc - Trung Hoa, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
250,7 triệu
là số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, tính đến ngày 8-11. Theo phân tích của Reuters, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày giảm 36% trong 3 tháng qua, nhưng cũng trong 90 ngày, virus vẫn lây nhiễm cho 50 triệu người do biến thể Delta. Trước đó, phải trải qua 1 năm mới ghi nhận 50 triệu trường hợp đầu tiên mắc Covid-19.  (Theo Reuters)

 

;
;
.
.
.
.
.