Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, chưa rõ biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đây của SARS-CoV-2 không và chưa rõ biến thể mới này có gây ra bệnh nặng hơn không. Song, điều đáng lo ngại là Omicron đang lan ra nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ.
Chính phủ Anh áp đặt hạn chế đi lại tới miền nam châu Phi, yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng và khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông. TRONG ẢNH: Hành khách đến sân bay Heathrow ở London ngày 29-11. Ảnh: AP |
Theo Reuters, tính đến ngày 29-11, biến thể Omicron (B.1.1.529) được phát hiện hoặc có những ca nghi nhiễm ở nhiều quốc gia, nhiều nhất là khu vực châu Âu (Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech). Tại châu Á, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận những ca Omicron đầu tiên và đều là khách nhập cảnh. Botswana vừa thông báo thêm 15 ca nhiễm biến thể Omicron.
Lây lan nhanh hơn 500% Delta
Hãng tin Reuters dẫn thông cáo của WHO đánh giá Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa ở mức “rất cao” và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi 194 nước thành viên, WHO kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những nhóm ưu tiên cao và chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tác động nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. WHO cho rằng, Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến có thể tác động tới xu hướng đại dịch Covid-19. Ngoài ra, theo WHO, cần nghiên cứu về khả năng Omicron tránh được hệ thống bảo vệ mà các vắc-xin tạo ra cho hệ thống miễn dịch của con người.
Đến nay, Omicron là biến thể có nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 và có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể khác. Các chuyên gia dự đoán Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% Delta - biến thể vốn được cho là siêu lây nhiễm, làm gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trong thời gian qua. Nhà khoa học WHO Soumya Swaminathan kêu gọi các nước đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron chia sẻ dữ liệu lâm sàng và dữ liệu giải trình tự gen thông qua các nền tảng của cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này để giới khoa học nghiên cứu.
Các hãng sản xuất vắc-xin như Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm với biến thể Omicron.
Hậu quả tự nhiên của việc tiêm chủng quá chậm?
Hãng tin CNN dẫn lời các nhà khoa học cho rằng, biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở vùng nam sa mạc Sahara vốn có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 rất thấp. Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh) nhận định: Sự xuất hiện của các biến thể mới là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”. WHO và các nhà khoa học vốn chỉ trích việc các nước giàu đã nhanh chóng tích trữ vắc-xin để tiêm chủng cho toàn bộ dân số vài lần, nhưng không thực hiện cam kết chia sẻ vắc-xin cho các nước đang phát triển.
Thực tế, cả Botswana, Nam Phi và nhiều quốc gia khác ở “lục địa đen” có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đồng thời gặp khó khăn trong việc tiếp cận vắc-xin. Theo dữ liệu từ trang web “Our World In Data”, chỉ khoảng 11% dân số châu Phi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và 7,2% được tiêm đủ 2 mũi. Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho hay, trong số 1,4 tỷ liều vắc-xin bổ sung mà các nước giàu cam kết tài trợ, chỉ 356 triệu liều được cung cấp cho COVAX- cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu do WHO và các đối tác khởi xướng.
Các nước phòng nguy cơ bùng phát dịch
Lo ngại biến thể mới, nhiều quốc gia đã ngừng đón khách từ phía nam châu Phi. Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố ngừng các trường hợp nhập cảnh mới của người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới kể từ ngày 30-11. Ngoài ra, Nhật Bản còn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly tại khu vực cách ly do chính phủ chỉ định đối với các trường hợp người Nhật và người sinh sống tại nước này trở về từ 14 quốc gia/khu vực đã xác nhận có biến thể Omicron xuất hiện. Trước đó, Nhật Bản siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người từng tới 9 nước châu Phi gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.
Tại Úc, Ủy ban An ninh quốc gia nhóm họp vào chiều 29-11 để xem xét lại kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới từ ngày 1-12. Chính quyền hai thành phố Sydney và Melbourne hiện siết chặt các quy định đi lại đối với du khách quốc tế, yêu cầu cách ly trong vòng 72 giờ.
Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố sẽ chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch từ ngày 3-12. Theo đó, New Zealand sẽ áp dụng hệ thống phân loại cấp độ dịch theo màu “đèn giao thông” (đỏ, vàng cam và xanh lá cây) tùy thuộc mức độ lây nhiễm dịch bệnh và tỷ lệ bao phủ vắc-xin.
Saudi Arabia thông báo tạm dừng tất cả chuyến bay đến và đi từ 14 quốc gia châu Phi. Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập cũng cấm các chuyến bay trực tiếp từ 7 quốc gia châu Phi.
Trong lúc đó, phát biểu tại hội nghị y tế thế giới ngày 29-11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố: “Không cần quá hoảng sợ về biến thể Omicron”.
G7 họp khẩn về Omicron
Hãng tin Reuters cho biết, ngày 29-11, với sự chủ trì của Anh, các bộ trưởng y tế nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) họp khẩn về biến thể Omicron trong lúc London và các nước châu Âu siết các biện pháp chống dịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi phải chạy đua với thời gian”. |
PHÚC NGUYÊN