Hơn 30.000 ca nhiễm biến thể AY.4.2 ở 37 quốc gia

.

Hiện có hơn 30.000 ca nhiễm biến thể AY.4.2 - biến thể phụ của biến thể Delta - được ghi nhận ở 37 quốc gia. Theo trang worldometers, thế giới đến nay có tổng cộng hơn 251,7 triệu ca mắc Covid-19 và 5 triệu ca tử vong.

Đức vừa ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm mới. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng Arena Treptow ở thủ đô Berlin. Ảnh: Reuters
Đức vừa ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm mới. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng Arena Treptow ở thủ đô Berlin. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, AY.4.2 được cho là đã xuất hiện tại Anh vào mùa hè. Nó có thêm 2 đột biến ảnh hưởng đến protein gai - một bộ phận quan trọng trong cấu trúc của virus, được dùng để xâm nhập vào tế bào người. AY.4.2 được xác định là “biến thể đang được xem xét” ở Anh với tên gọi VUI-21OCT-01.

Trên thế giới, số liệu về biến thể AY.4.2 đã thay đổi nhanh chóng kể từ cuối tháng 10. Hiện có hơn 30.000 ca nhiễm biến thể AY.4.2 được ghi nhận ở 37 quốc gia. Song, biến thể AY.4.2 dường như không lan nhanh ở Mỹ, nơi đang có khoảng 28 ca nhiễm này ở 11 bang. Người mắc AY.4.2 cũng có các triệu chứng tương tự các biến chủng cũ như: sốt, thân nhiệt cao, ho liên tục trong hơn 1 giờ hoặc cả ngày, mất hoặc rối loạn vị giác, khứu giác...

Châu Âu đối mặt làn sóng dịch mới

Các nước châu Âu đang đối mặt làn sóng dịch mới khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tăng cao. Hy Lạp ngày 9-11 ghi nhận hơn 8.600 ca nhiễm mới, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng qua. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cảnh báo quốc gia Nam Âu này đang trải qua đợt dịch thứ tư trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức cao chưa từng có.

Tại Đức, theo AP, Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 10-11 ghi nhận số ca mắc mới lên tới gần 40.000 ca, mức cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát. Hôm 8-11, RKI công bố tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức đang ở mức cao nhất dù hơn 69% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Cụ thể, tỷ lệ mắc Covid-19 trong 7 ngày trước đó tăng lên 201,1 ca/100.000 dân, cao hơn mức kỷ lục 197,6 ca được thiết lập hồi tháng 12-2020. Hiện Đức còn hơn 16 triệu người trên 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, trong đó có 3,2 triệu người trên 60 tuổi.

Cộng hòa Czech ghi nhận hơn 14.500 ca nhiễm mới trong ngày 9-11, mức theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 3 và gần đến những mức cao nhất từ tháng 1. Số ca nhiễm mới tại Đan Mạch vượt mốc 2.000 hôm 8-11 dù quốc gia này có 5,8 triệu dân thì 85,9% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ.

Trông đợi vắc-xin Covid-19 “thế hệ thứ hai”

Theo AFP, hơn 7,25 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn cầu. Thống kê của trang Our World In Data cho thấy 51,1% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin, nhưng chỉ 4,2% người dân tại các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 liều.

Ngày 9-11, TS. Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết bà trông đợi các loại vắc-xin Covid-19 “thế hệ thứ hai”, có thể gồm dạng xịt mũi và dạng uống. TS. Swaminathan lý giải, những vắc-xin thuộc “thế hệ thứ hai” có thể có nhiều lợi thế do chúng dễ phân phối và sử dụng hơn các vắc-xin dạng tiêm hiện nay, thậm chí người dân có thể tự sử dụng.

Đến nay, WHO đã phê duyệt 8 loại vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm vắc-xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Covishield (phiên bản vắc-xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất), Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và mới nhất là Bharat Biotech.

Theo báo New York Times, 10 quốc gia có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới gồm: Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (89%), Bồ Đào Nha (87%), Malta (85%), Singapore (82%), Chile (81%), Campuchia (80%), Tây Ban Nha (79%), Qatar (78%) và Iceland (77%) và Malaysia (gần 80%).

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.