Moderna tranh chấp bản quyền vắc-xin với chính phủ Mỹ

.

Hãng dược phẩm Mỹ Moderna ngày 9-11 nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 theo công nghệ ARN thông tin (mRNA). Tuy nhiên, Moderna đã gạt tên các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) khỏi một số bằng sáng chế của mình.

Viện Y tế quốc gia Mỹ tuyên bố tham gia phát minh vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna, nhưng hãng dược này gạt các nhà khoa học chính phủ khỏi bằng sáng chế. Ảnh: Reuters
Viện Y tế quốc gia Mỹ tuyên bố tham gia phát minh vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna, nhưng hãng dược này gạt các nhà khoa học chính phủ khỏi bằng sáng chế. Ảnh: Reuters

Trong đơn xin đăng ký cấp bản quyền sáng chế cho vắc-xin ngừa Covid-19, hãng Moderna chỉ nêu tên các nhân viên của họ là những người làm ra thành phần cốt lõi của vắc-xin và gạt tên 3 nhà khoa học của chính phủ. Đây là nguồn cơn phát sinh tranh chấp bản quyền sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 công nghệ mRNA giữa Moderna và NIH. Vấn đề tranh cãi là ai được ghi công vì đã phát minh ra thành phần cốt lõi của vắc-xin. Xung đột này được dự đoán sẽ gây tác động lớn tới quá trình phân phối vắc-xin về lâu dài cũng như liên quan hàng tỷ USD lợi nhuận trong tương lai.

Ai phát minh ra vắc-xin theo công nghệ ARN thông tin (mRNA)?

Vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna ra đời sau quá trình hợp tác phát triển giữa hãng dược này và NIH. Khoảng một năm trước, cũng vào tháng này, chính phủ Mỹ gọi đó là “vắc-xin ngừa Covid-19 của NIH và Moderna”.

NIH cho biết, họ có 3 nhà khoa học đã tham gia phát triển vắc-xin, đó là TS. John R. Mascola - Giám đốc NIH, TS. Barney S. Graham vừa nghỉ hưu và TS. Kizzmekia S. Corbett hiện làm việc tại Đại học Harvard. Họ phối hợp cùng các nhà khoa học của Moderna để thiết kế chuỗi gen giúp kích hoạt vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch. Do đó, theo NIH, họ phải có tên trong “đơn xin cấp bản quyền sáng chế chính”.

Tuy nhiên, Moderna không đồng ý. Trong hồ sơ đề nghị phê duyệt sáng chế gửi Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) hồi tháng 7-2021, công ty này khẳng định “những cá nhân đó không phải là đồng phát minh” ra thành phần lõi của vắc-xin đã nêu. Trong đơn, Moderna chỉ nêu tên các nhân viên của họ phát minh ra vắc-xin ngừa Covid-19.

Thực chất NIH đã đàm phán với Moderna hơn một năm qua để dàn xếp tranh chấp. Việc hãng dược nộp đơn đề nghị xét cấp bằng sáng chế trong tháng 7-2021 khiến NIH ngạc nhiên, theo lời một quan chức chính phủ trao đổi với báo New York Times.

Hiện chưa rõ USPTO sẽ xử lý vấn đề ra sao, nhưng nhiệm vụ của họ chỉ là quyết định có cấp bằng sáng chế hay không. Trong trường hợp tới thời hạn cấp bằng, hai bên không thể đạt được đồng thuận, chính phủ Mỹ sẽ quyết định có đưa vụ việc ra tòa không. Lúc đó sẽ là cuộc chiến pháp lý vô cùng phức tạp, tốn kém và có thể kéo dài.

Hệ lụy từ tranh chấp

Cuộc tranh chấp giữa Moderna và NIH liên quan tới những vấn đề lớn hơn, không đơn thuần chỉ là vinh dự khoa học hay uy tín, vị thế của mỗi bên. Nếu 3 nhà khoa học của NIH có tên trong bằng sáng chế cùng các nhân viên của Moderna, chính phủ liên bang sẽ có thẩm quyền lớn hơn trong việc quyết định những công ty nào có thể sản xuất vắc-xin đó, và cũng vì thế có thể ảnh hưởng tới việc những nước nào được tiếp cận vắc-xin Moderna. Hơn nữa, NIH sẽ có quyền gần như không bị hạn chế trong việc cấp phép công nghệ sản xuất loại vắc-xin này, mang lại hàng triệu USD cho ngân sách liên bang.

Cuộc chiến bản quyền vắc-xin diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ và nhiều nơi khác đang ngày càng sốt ruột với việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna để cung cấp cho các nước nghèo hơn. Moderna đã nhận được gần 10 tỷ USD ngân sách để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, thử nghiệm và cung cấp vắc-xin thành phẩm cho chính phủ liên bang. Hiện Moderna có những đơn hàng đặt mua vắc-xin đến hết năm sau với tổng trị giá khoảng 35 tỷ USD.

Các TS. Mascola, Graham và Corbett từ chối bình luận về vụ tranh chấp. Trong thông cáo gửi truyền thông, NIH và Moderna xác nhận đang xảy ra vụ việc này và những tranh cãi liên quan đã ngấm ngầm diễn ra trong hơn một năm qua giữa hai bên.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo New York Times)

;
;
.
.
.
.
.