Quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều khác biệt

.

Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung tối 15-11 (sáng 16-11, giờ Việt Nam) đã thu hút sự chú ý của truyền thông và các chuyên gia quốc tế. Hãng tin CNN cho rằng, đây là cuộc “tranh luận thẳng thắn” nhưng không có đột phá quan trọng. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg nhận định, về tổng thể, so với vài tháng trước, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung đưa quan hệ hai nước vào điểm tựa ổn định hơn.

Bất đồng Mỹ - Trung trên hàng loạt vấn đề kéo dài qua 3 đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ thời ông Barack Obama đến ông Donald Trump và giờ đây đến ông Joe Biden. Căng thẳng giữa hai nước trở nên gay gắt khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Qua đó, có thể thấy các điểm chính sau đây:

Một là, sự cạnh tranh ngôi vị. Sau hơn 40 năm tiến hành mở cửa và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc nhanh chóng soán ngôi của Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Bằng tiềm lực kinh tế, Trung Quốc đã hoạch định chiến lược để trở thành “bá chủ” thế giới.

Trong “Hướng dẫn chiến lược tạm thời về an ninh quốc gia” (giới thiệu những đường lối đầu tiên về tầm nhìn chiến lược vào tháng 3-2021), chính phủ của Tổng thống Joe Bien tiếp tục coi Trung Quốc là “đối thủ tiềm năng duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức một cách lâu dài hệ thống quốc tế ổn định và mở”.

Đáng chú ý, ngày 16-11, Bloomberg dẫn báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company (trụ sở tại Mỹ) cho biết, Trung Quốc chiếm 1/3 số tài sản tăng trưởng của thế giới. Đây cũng là quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với 113.000 tỷ USD. Năm 2000, khi Trung Quốc mới gia nhập WTO, tổng tài sản chỉ gần 7.000 tỷ USD. Đến nay con số này tăng lên 120.000 tỷ USD và vượt Mỹ, trở thành nước giàu nhất thế giới. Trong khi đó, tổng tài sản mà Mỹ - quốc gia từng giàu nhất thế giới - nắm giữ chỉ tăng gấp đôi, đạt mốc 90.000 tỷ USD. Đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức, ông Biden nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc, không để Bắc Kinh vượt ngôi vị trí số 1 của Mỹ chí ít là trong nhiệm kỳ của mình.

Hai là, chuỗi các bất đồng như: vấn đề Đài Loan, tự do hàng hải, đại dịch Covid-19, công nghệ thông tin, trao đổi thương mại, vũ khí hạt nhân, nhân quyền... Các bất đồng này ngày một tích tụ làm quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất.

Ba là, cạnh tranh có kiểm soát hay biến thành xung đột?

Cạnh tranh về nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gay gắt, thậm chí Wshington đang xây dựng “liên minh các nước” nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như mạng 5G. Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi đó, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang chuẩn bị cho những sự kiện chính trị quan trọng của năm 2022 (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ). Quan hệ Trung - Mỹ là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của hai nước và tác động tới những sự kiện này. Do vậy, vấn đề đặt ra là Mỹ - Trung thúc đẩy cạnh tranh có kiểm soát hay rơi vào xung đột khốc liệt cả về kinh tế lẫn quân sự?

Phát biểu trong cuộc gặp nói trên, ông Biden cho rằng, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bảo đảm không để mối quan hệ giữa hai nước rơi vào xung đột mở rộng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định lập trường của Bắc Kinh là muốn thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung theo hướng tích cực, đồng thời mong muốn có một cuộc thảo luận toàn diện và trên nhiều lĩnh vực.

Theo đánh giá của các nhà quan sát chính trị, việc “hóa giải” các bất đồng giữa hai cường quốc này là câu chuyện dài kỳ, thậm chí quyết liệt, bởi có quá nhiều vấn đề gai góc nằm trên bàn nghị sự. Tờ Los Angeles Times (Mỹ) khẳng định: “Cạnh tranh gay gắt” Mỹ - Trung trên nhiều vấn đề sẽ không dễ gì xử lý. Cuộc họp thượng đỉnh lần này không thể chấm dứt các bất đồng, nhưng là cơ hội để hai bên bày tỏ quan điểm và duy trì đối thoại, hơn là để giải quyết các vấn đề căng thẳng hay bất đồng.

Diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung cho thấy, mặc dù có những cách diễn đạt khác nhau, nhưng Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều thể hiện quan điểm phát triển quan hệ lành mạnh và ổn định để thúc đẩy sự phát triển riêng của hai nước và bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích