Thế giới hướng tới công bằng vắc-xin

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại và một trong những nguyên nhân chính là tình trạng bất bình đẳng xung quanh việc tiếp cận các công cụ, trong đó có vắc-xin.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa trở lại.  Trong ảnh: Người dân đi lại ở bến tàu Santa Monica, bang California, Mỹ. Ảnh: AP
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. TRONG ẢNH: Người dân đi lại ở bến tàu Santa Monica, bang California, Mỹ. Ảnh: AP

Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo ngoại giao của các nước vào ngày 10-11 nhằm thảo luận về đại dịch Covid-19 và thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu trong tiếp cận vắc-xin. Hãng tin AP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Mặc dù đã đạt được những tiến bộ về vắc-xin (ngừa Covid-19) trên toàn thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được điều chúng ta muốn”.

Tiêm cho 70% dân số vào cuối năm 2022

Khoảng 58% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19, theo AP. Mỹ đang tiến hành tiêm mũi vắc-xin tăng cường (mũi thứ ba) cho người dân trước mùa đông và cũng chịu sức ép lớn về việc chia sẻ lượng vắc-xin nhiều hơn cho các nước khác trên thế giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa chính thức chấp thuận sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ em tại Mỹ trong độ tuổi từ 5-11. Chính phủ Mỹ đã mua 50 triệu liều vắc-xin của Pfizer để cung cấp cho 28 triệu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của cường quốc này.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho hay, những quốc gia đầu tiên thoát khỏi Covid-19 cần có sự kết hợp của tỷ lệ tiêm chủng cao và miễn dịch tự nhiên ở những người từng mắc Covid-19. WHO đặt mục tiêu tiêm vắc-xin cho 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và 70% dân số vào cuối năm 2022.

Giảm tình trạng thiếu hụt vắc-xin ở các nước nghèo

COVAX, cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu - chương trình do Liên Hợp Quốc và các đối tác khởi xướng, nỗ lực giải quyết bài toán bất bình đẳng vắc-xin nhưng cũng không thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ở các nước nghèo. Số vắc-xin viện trợ quá ít để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hồi đầu tháng 11, khi số ca tử vong do Covid-19 của toàn cầu vượt mốc 5 triệu ca, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở rằng thế giới có nguy cơ thất bại nếu người dân không được tiếp cận kịp thời và công bằng với vắc-xin. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại và một trong những nguyên nhân chính là tình trạng bất bình đẳng xung quanh việc tiếp cận các công cụ, trong đó có vắc-xin.

Chỉ khoảng 5% số người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ trong lúc các nước giàu triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường và nhiều nước khác cũng bắt đầu tiêm cho trẻ em. Châu Phi hiện có hơn 8,6 triệu ca nhiễm và gần 220.000 ca tử vong, theo trang wordometers.

Ở châu Mỹ, Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Jarbas Barbosa cũng cảnh báo, sự bất bình đẳng về vắc-xin là một trong những rào cản hạn chế thành quả chống dịch của châu lục này. Ít nhất 32 quốc gia trong khu vực đã đạt mục tiêu của WHO về tỷ lệ tiêm chủng 40% vào cuối năm 2021. Song, tại các nước như Haiti, Nicaragua, Jamaica, Guatemala..., chỉ khoảng 20% dân số được phủ sóng vắc-xin.

Theo AP, WHO ước tính số người tử vong do Covid-19 trên thực tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với số liệu chính thức mà các quốc gia công bố. Số người nhiễm toàn cầu hiện đã vượt mốc 250 triệu người do sự lây lan nhanh của biến thể Delta, trong đó có AY.4.2 - một nhánh phụ của biến thể Delta.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.