Bao phủ vắc-xin để kiểm soát Covid-19

.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chìa khóa để kiểm soát Covid-19 vẫn là tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, đặc biệt là mũi tăng cường; nghiên cứu cải tiến vắc-xin nếu cần thiết và bảo đảm việc tiếp cận vắc-xin bình đẳng trên toàn cầu.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở đại lộ Champs Elysees, thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở đại lộ Champs Elysees, thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: AP

Thế giới đang trải qua những ngày cuối cùng của năm 2021. Dịch bệnh - với sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron - vẫn là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Những con số liên tục được các trang thống kê và các hãng thông tấn cập nhật (số ca nhiễm mới, số ca tử vong, tổng số ca nhiễm, tử vong và hồi phục ở các quốc gia, hay châu lục…) làm nên bức tranh buồn của toàn cầu. Trang worldometers cho biết, tính đến ngày 27-12, thế giới có tổng cộng hơn 280,3 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 5,4 triệu ca tử vong và hơn 250,5 triệu ca hồi phục.

Mỹ có hơn 53,2 triệu ca nhiễm, chiếm 1/5 số ca nhiễm toàn cầu. Cường quốc này đã vượt mốc 800.000 ca tử vong do Covid-19, chiếm hơn 1/6 số ca tử vong của thế giới.

Theo ABC News, các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ giờ đây cho rằng, khi biến thể Omicron lây lan mạnh, số ca nhiễm không còn là thước đo để đánh giá về mức độ của đại dịch, mà nên tập trung vào số ca nhập viện, số ca tử vong, số ca tái nhiễm, số ca nhiễm sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin cơ bản và tiêm mũi tăng cường.

Trải qua 2 năm xoay xở ứng phó, các quốc gia dường như đều có kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và sẵn sàng bước vào năm Covid-19 thứ ba. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã được áp dụng, trong đó có việc đeo khẩu trang, phong tỏa, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách với nhau… Chính sách chống Covid-19 của thế giới cũng thay đổi, cuộc sống thường nhật đang dần trở lại. Và để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” này, các chuyên gia cho rằng, vắc-xin vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Thống kê của Our World in Data cho hay, tính đến ngày 21-12, tổng cộng 57,5% dân số thế giới đã được tiêm 1 liều vắc-xin ngừa Covid-19; 48,3% đã tiêm đủ 2 liều và 5,8% tiêm mũi tăng cường. Các hãng dược cũng đang chạy đua với thời gian để nâng cấp vắc-xin hiện có của mình nhằm ứng phó với các biến thể mới.

Năm 2021 được cho là năm của vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng cũng là năm của các biến thể. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa có lời giải như: Khi nào đại dịch sẽ kết thúc; Omicron có phải là biến thể cuối cùng của SARS-CoV-2; hiệu quả bảo vệ của vắc-xin như thế nào trước các biến thể mới; tiêm mũi tăng cường có đủ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm các biến thể mới hay không…

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói rằng, phải kết thúc đại dịch trong năm 2022. Tuy nhiên, đây chỉ là mong muốn của WHO, chứ dựa vào tỷ lệ bao phủ vắc-xin hay kinh nghiệm phòng, chống dịch của các nước thì thật khó để dự đoán Covid-19 chấm dứt vào thời điểm nào, nhất là khi biến thể Omicron đang lây lan mạnh.

Hãng tin AP cho biết, các chuyên gia Mỹ nhìn nhận theo hướng Covid-19 không bao giờ biến mất hoàn toàn, nghĩa là đây sẽ là căn bệnh đặc hữu và mọi người phải học cách sống chung với virus. Theo đó, tiêm vắc-xin thường xuyên và điều trị bằng thuốc kháng virus kết hợp với khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh có thể làm các đợt bùng phát Covid-19 ít nghiêm trọng hơn trong năm 2022. TS. Peter Hotez, chuyên gia về vắc-xin tại Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) cho rằng, khi trên thế giới còn nhiều người chưa được tiêm chủng, các biến thể mới vẫn có nguy cơ xuất hiện.

Thế giới đang nỗ lực đạt tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng vào năm 2022. Để đạt điều này, yếu tố then chốt vẫn là tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, phải có ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản và cần đến 11 tỷ liều vắc-xin, theo ước tính của WHO. Tuy nhiên, WHO luôn lo ngại khó đạt mục tiêu nếu tình trạng bất bình đẳng vắc-xin vẫn diễn ra.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.