Hội đàm trực tuyến Mỹ - Nga: Nhiều khác biệt về lợi ích

.

Cuộc hội đàm trực tuyến của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc vào rạng sáng 8-12 (giờ Việt Nam) mà không có sự đột phá nào. Nguyên nhân được cho là giữa hai nước có những khác biệt về lợi ích.

Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức Mỹ tham dự hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-12. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức Mỹ tham dự hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-12. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga có thể đối thoại, thống nhất sẽ tiến hành tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm là tín hiệu tích cực đối với việc kiểm soát mối quan hệ giữa hai cường quốc.

“Căng thẳng một đối một”

Phóng viên kênh truyền hình Rossya 1 của Nga mô tả cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ giữa hai Tổng thống diễn ra “căng thẳng một đối một”, chỉ có hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp về hàng loạt vấn đề: cuộc xung đột tại Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông và tăng cường lực lượng cùng khí tài sát biên giới Nga, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”...

Hãng tin TASS của Nga cho biết, trong hội đàm, Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay nếu Moscow có động thái tấn công Ukraine. Ông Biden cũng tỏ ý rằng, những biện pháp trừng phạt mới này sẽ lớn hơn những lệnh trừng phạt Mỹ từng áp lên Nga năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Đài CNN dẫn lại lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với báo giới sau cuộc hội đàm rằng, Tổng thống Biden đã nhìn vào mắt người đồng cấp rồi bảo “những gì chúng tôi chưa làm năm 2014 thì chúng tôi đã sẵn sàng để làm bây giờ”. Ông Sullivan không đi vào các chi tiết cụ thể, nhưng cho biết Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh châu Âu “ở cấp độ cụ thể nhất”, ở đây có thể hiểu ý ông muốn nói tới các biện pháp ứng xử với Nga.

Cũng theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Biden đã “thẳng thắn, trực diện với Tổng thống Putin”. Cùng với việc cảnh báo về những hậu quả kinh tế mà phía Nga có thể phải đối mặt, ông Biden cũng nhắc lại việc Mỹ đã sẵn sàng để củng cố năng lực quốc phòng trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Nga tại Điện Kremlin, ông Putin đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng, các lệnh trừng phạt sẽ chẳng mang lại hiệu quả tích cực nào, ngay cả với Mỹ. “Tổng thống Mỹ đã nói về các lệnh trừng phạt có thể sẽ áp đặt, và Tổng thống của chúng tôi nói về những gì mà phía Nga cần, rằng lệnh trừng phạt không phải chuyện mới, chúng đã được áp đặt trong thời gian khá dài, nhưng đáng tiếc là chẳng có tác động tích cực nào cho cả hai bên, hoặc với Mỹ, hoặc với Nga”, ông Ushakov nói.

Thúc đẩy đối thoại

Theo AFP, ngay từ trước khi cuộc hội đàm diễn ra, giới quan sát không kỳ vọng sự đột phá nào, nhưng họ cho rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa thúc đẩy đối thoại đáng kể giữa hai nước.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định Moscow luôn muốn tìm kiếm “mối quan hệ tốt đẹp và có thể đoán định” với Washington. Trước đó, Điện Kremlin cho rằng, cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy cả hai đều không mong muốn đẩy mối quan hệ song phương đi vào bế tắc. “Nga chưa bao giờ có ý định tấn công ai. Tuy nhiên, chúng tôi có những quan ngại của riêng mình và có những lằn ranh đỏ của chúng tôi”, ông Peskov nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 7-12.

Quan hệ Nga - phương Tây và Nga - Ukraine lao dốc từ năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine nổi dậy trong cùng năm đó. Khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1, Nhà Trắng đã áp các lệnh trừng phạt lên Nga và cáo buộc điện Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng cùng với các vấn đề liên quan đến nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Trong bối cảnh có nhiều căng thẳng, nhất là trong lúc phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine, các nhà quan sát nhận định: Cuộc hội đàm trực tuyến nói trên sẽ không thể thay đổi tình hình bởi vấn đề giữa hai bên là sự xung đột về lợi ích chứ không phải do thiếu sự trao đổi. Vì vậy, sự đột phá ngay lập tức trong một cuộc hội đàm như thế là điều không thể xảy ra.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.